TIN THỦY SẢN

Quảng Trị: Nuôi cá lồng trên sông Lai Phước

Một mô hình nuôi cá lồng trên sông Lai Phước, Đông Lương, Đông Hà Hiếu Giang

Lần đầu tiên được triển khai ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đến nay mô hình nuôi cá lồng trên sông Lai Phước của một số hộ dân ở khu phố Lai Phước và khu phố Tân Vĩnh (phường Đông Lương) đã phát triển khả quan, mở ra hướng làm ăn mới cho người dân nơi đây.

Anh Trần Thanh Sơn, 35 tuổi ở khu phố Lai Phước vừa được Phòng Kinh tế thành phố và Hội Nông dân phường Đông Lương hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng cộng thêm số tiền tự đầu tư khoảng 40 triệu đồng để triển khai mô hình nuôi cá chình lồng trên sông Lai Phước. Đây là mô hình nuôi cá chình lồng đầu tiên triển khai trên địa bàn thành phố Đông Hà. Dẫn chúng tôi ra sông tham quan mô hình cá chình lồng của mình, anh Sơn cho biết, sau khoảng 6 tháng nuôi, số cá chình của anh đã thích nghi, phát triển tốt.

Cuối năm 2016, Phòng Kinh tế thành phố đã chọn triển khai thí điểm mô hình nuôi cá chình lồng ở phường Đông Lương, trong đó chọn hỗ trợ đầu tiên cho hộ anh Sơn- hộ có kinh nghiệm nuôi cá trên sông. Được chọn, anh Sơn đã được tạo điều kiện đi tham quan tại một số mô hình nuôi cá chình lồng trên sông như ở xã Hải Tân (huyện Hải Lăng), thôn Trấm (xã Triệu Thượng) học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chình để về triển khai.

“Sau khi được một số hộ nuôi cá chình lâu năm ở các nơi tham quan truyền đạt kinh nghiệm nuôi, cách chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho cá chình, tôi đã liên hệ mua nguồn giống về thả nuôi. Tôi mua 25 kg cá chình giống (130 con) với giá khoảng 20 triệu đồng ở trại giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa. Đây là loại giống cá chình ươm, con đã khá lớn nên thời gian từ lúc thả nuôi đến lúc thu hoạch sẽ được rút ngắn (khoảng 1,5 năm), rủi ro cũng thấp hơn.

Theo anh Sơn, cá chình của anh nuôi dự kiến thu hoạch vào đầu năm 2018, lúc đó trọng lượng đạt khoảng từ 1,5kg/con trở lên. Đầu ra cá chình thương phẩm hiện tại bình quân khoảng 550.000 đồng/kg. Hiện nay anh Sơn đang tự đầu tư thêm một lồng nuôi cá chình lớn hơn để thả nuôi thêm khoảng 250 con nữa, dự kiến đầu tháng 6 này sẽ thả cá.

“Nuôi cá chình trong môi trường tự nhiên nên ít bị dịch bệnh; chi phí rất ít, mỗi ngày chỉ từ 7-10.000 đồng thức ăn, chủ yếu cá vụn nên có thể nói sẽ có lãi cao. Tôi nhận thấy, chỉ riêng ở địa bàn thành phố Đông Hà, nhu cầu cá chình thương phẩm đã rất lớn. Vì vậy tôi tin tưởng nuôi cá chình sẽ mở ra hướng làm ăn triển vọng cho người dân ven sông, đặc biệt là nơi có nhiều gia đình làm nghề sông nước như khu vực tôi đang ở”, anh Sơn cho biết thêm.

Tại khu phố Tân Vĩnh, nông dân Phan Thanh Thọ cũng đã tự đầu tư làm lồng nuôi cá trắm cỏ trên sông Lai Phước nhằm nâng cao thu nhập. Từ đầu năm 2017 anh đầu tư làm lồng bè để nuôi cá nước ngọt trên sông Lai Phước.

Ông Thọ cho biết, trước khi quyết định nuôi cá lồng, ông đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng bè ở một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi chăm chỉ đọc thêm sách báo hướng dẫn nuôi cá lồng trên sông để tích lũy kiến thức. Tận dụng nguồn tre dồi dào, ông thuê thợ hàn khung lồng sắt, sau đó tự tay vót nan tre ráp chắc chắn xung quanh, quây thêm lớp lưới cỡ mắt 4 để hoàn thiện lồng. Lồng được gắn thêm hệ thống phao nhựa nổi rất tiện dụng.

Đầu tháng 4 vừa qua, ông đã “hạ thủy” chiếc lồng đầu tiên và thả nuôi 300 con cá trắm cỏ đầu tiên. Ông Thọ cho hay: “Nuôi cá lồng hầu như ít tốn chi phí thức ăn, lại tận dụng được những loại cây cỏ có sẵn như chuối, cỏ dại, lá sắn, rong… nên chỉ chịu khó tốn công sức ít thôi là có lãi. Ngoài ra nuôi kiểu bán tự nhiên này vừa đảm bảo cá đầu ra có chất lượng cao, vừa tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên ngoài sông trôi vào. Tôi đang tiếp tục phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành thêm một số lồng nữa để thả nuôi thêm các loại như cá vược, diêu hồng, chình… Cứ mỗi loại nuôi một lồng, xem như mùa nào cũng có cá để bán”.

Ông Cho biết: "Hệ thống lồng nuôi của ông có thể thích ứng với cả mùa mưa lũ, mùa hè cho hệ thống phao nổi lên để đỡ lồng trên mặt nước. Mùa mưa lũ thì tháo phao, thả lồng sắt xuống đáy sông, neo thêm bằng dây chắc chắn."

Dự kiến, sau vụ thu hoạch đầu tiên trong thời gian tới của các hộ, địa phương sẽ có đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để có thể khuyến khích nhân rộng, hỗ trợ cho các hộ có nhu cầu nuôi thực hiện; đặc biệt là ưu tiên các hộ làm nghề sông nước để giúp họ có hướng làm ăn bền vững, cải thiện thu nhập”.

Hiếu Giang Báo Quảng Trị