Quảng Trị: Nuôi tôm cần chiến lược dài hạn
Nuôi tôm không gây ô nhiễm môi trường, nuôi theo quy hoạch, chủ động sản xuất từng vụ, đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cũng như kịp thời có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nuôi tôm… chính là chiến lược quan trọng để phát triển toàn diện, bền vững ngành nuôi tôm tỉnh Quảng Trị trong những năm tới.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016 cho thấy dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra ở 22 xã, phường, thị trấn với tổng diện tích 344,72 ha. Từ đầu năm đến ngày 12/6/2017, có 127,93 ha diện tích nuôi tôm bị dịch bệnh. Điều đáng nói là trong điều kiện tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường như hiện nay, nếu không kịp thời có những giải pháp hữu hiệu thì dịch bệnh trên tôm có chiều hướng ngày càng gia tăng, khó kiểm soát.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề chỉ đạo, kiểm soát chất lượng con giống là rất quan trọng, các đơn vị, chính quyền địa phương liên quan cần quyết liệt hơn trong công tác tăng cường kiểm tra chất lượng con giống, nguồn thức ăn, quản lý vấn đề xử lý nước thải và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng nuôi tôm trong xử lý nguồn nước thải, hạn chế ô nhiễm môi trường vùng nuôi. Các hộ nuôi tôm cần tuân thủ nghiêm quy trình nuôi sạch, sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có chất lượng, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để nuôi tôm bền vững, ngành nông nghiệp đã có những định hướng phát triển cụ thể như duy trì đối tượng tôm sú ở vùng ven sông Hiền Lương và ven sông Cửa Việt, phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng bãi ngang ven biển, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ cho thị trường tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu. Chuyển đổi các vùng nuôi chuyên tôm thường xuyên bị dịch bệnh sang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến/xen ghép tôm - cua, tôm - rong câu, tôm - cua - cá nước lợ…hoặc nuôi chuyên cua, cá nước lợ tại một số xã của các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong.
Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các cơ sở nuôi tôm, các công ty phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Căn cứ quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng quy hoạch đến năm 2020 là 930 ha, diện tích nuôi tôm sú là 584 ha. Từ quy hoạch, vấn đề chuyển đổi, mở rộng, tập trung diện tích đất nuôi tôm nước lợ cũng cần được quan tâm.
Đối với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2111/QĐ - UBND ngày 5/9/2016 về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm, nhất là vấn đề thủy lợi. Các cấp, ngành liên quan cần tích cực vào cuộc để huy động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp và nhân dân để xây dựng các vùng nuôi tôm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Muốn làm tốt vấn đề này, ngoài vai trò của nhà nước thì người dân cũng cần chung sức huy động các nguồn lực, liên kết với các hộ liền kề đầu tư lại hệ thống ao nuôi để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều tổ cộng đồng, tổ hợp tác và hợp tác xã thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi và giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất.
Nói về hiệu quả của việc hình thành HTX nuôi tôm, ông Hoàng Đình Anh, Chủ tịch HĐQT HTX Đông Giang, thành phố Đông Hà cho biết: “Trước đây, những năm từ 2006 - 2008, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tự phát thả giống mua trôi nổi trên thị trường nên dịch bệnh tràn lan. Nhưng nay, nhờ tham gia vào HTX, nuôi tôm cộng đồng nên người nuôi đã nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng con giống cũng như tuân thủ kỹ thuật nuôi để hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra, đưa lại năng suất cao”.
Cùng với đó, nhà nước có cơ chế khuyến khích phát triển nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao nhằm tăng năng suất, sản lượng gắn với bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào công tác nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất tôm giống chất lượng cao theo hướng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để cung ứng cho người nuôi tôm trong tỉnh. Đồng thời sẽ chú trọng xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng công nghệ tiên tiến để nhân rộng cho các địa phương. Có rất nhiều việc cần phải kiện toàn trong nuôi tôm. Cùng với các giải pháp đồng bộ liên quan như chính sách hỗ trợ người nuôi, cách thức tổ chức sản xuất, quản lý sản xuất, việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm quanh con tôm cũng là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Về lâu dài cần tính đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để gắn kết các nhà máy, cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu tôm nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ người nuôi tôm ổn định thị trường tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất.