"Dậy sóng" tôm hùm
Chiều bến cảng Đầm Môn, Vạn Thạnh hanh hao. “Lão” Nguyễn Văn Thở thở hắt, nói chậm rãi: “Ai nuôi tôm hùm cũng chạy táo tác, cứ như... biển đang dậy sóng, ruột như lửa đốt, kêu trời tôm chết rớt đáy hằng ngày, hằng giờ”. Câu ca cửa miệng “Biển Đầm Môn lắm tôm hùm/Bắt dăm con bán thành chum tiền đầy...” bỗng dưng như lạc lõng, như tan chảy theo bọt biển...
Ảnh minh họa: tôm hùm chết bán với giá bèo
Tôm hùm được ví là “vua” của các loài hải sản - món quà quý giá mà đại dương hào phóng ban tặng cho cư dân các miệt biển Nam Trung Bộ. Gần hai mươi năm qua, loài tôm xuất khẩu này, đã làm đổi đời hàng vạn ngư dân, “lột xác” những làng biển, đảo vốn nghèo xác xơ, cách trở đò giang như Vạn Thạnh, Vạn Hưng (Khánh Hòa), đầm Nại, Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Vịnh Hòa, Phú Dương, Từ Nham, Vũng Rô (Phú Yên)...
Nhưng thời hoàng kim của những “làng tỉ phú” tôm hùm nổi tiếng cả nước này đang dần “lao dốc”, khi mấy năm nay con tôm cứ đỏng đảnh “trở chứng” sưng đầu, đen mang, trắng sữa, hở khớp... và “rụng” hàng loạt!
Cả làng bán tôm chết
17 giờ. Thường ngày vẫn thế, hai chiếc xe trọng tải nhỏ chạy qua Đầm Môn rồi “cắm chốt” ở hai điểm cầu cảng và cuối làng Vạn Thạnh. Những “cô chủ” đầu nậu vai đeo kè kè túi tiền, nhảy phóc khỏi cabin, lôi khỏi thùng xe các vật dụng như cân, rổ rá, đá lạnh, thùng xốp để mua... tôm chết. Và ngay lập tức, hàng chục người dân Đầm Môn, kẻ xách vài con, người bưng từng ký tôm kéo đến và lần lượt cân bán.
Đáng nhẽ ai cũng được vui, được lợi từ nguồn thu nhập kinh tế khi “thuận mua, vừa bán” hải sản trong cơ chế thị trường. Nhưng ở đây, bà con vạn chài đi bán tôm chết một cách khiên cưỡng, gương mặt nhàu nhĩ, buồn rười rượi; còn những “cô chủ” mua tôm thì đon đả, cười tươi khi cân, đếm...
Cũng phải thôi, lòng dân rối bời vì tôm hùm bệnh chết “trắng bè” nên “xót của” vớt lên đem bán với giá rẻ bèo; trong khi mua bán tôm chết bỗng dưng trở thành cái nghề phát đạt, “ăn nên làm ra” của các chủ vựa, đầu nậu trong những năm gần đây. Ở làng nhỏ vạn chài Đầm Môn có đến bốn đầu nậu tranh nhau “săn” mua tôm bệnh chết ở ngay trên bè tôm ở ngoài biển hoặc tôm chết được chở đò vào bờ. Chỉ trong một buổi chiều, chủ đầu nậu Nguyễn Thị Tàu mua được hơn 1,2 tạ; Võ Thị Thuận mua trên 2 tạ tôm chết...
Dân bán tôm vội, đi vội, không ai nói với ai lời nào. Tôi vội “níu” chị Trần Thị Dung (ở thôn Đầm Môn, vừa bán 8 con tôm chết cân nặng 3,2 kg, chỉ được 580.000 đồng, chưa bằng giá trị 2 con tôm giống nhỏ như que tăm thả nuôi cách đây 10 tháng), để hỏi chuyện “thời sự” về tôm. Chị Dung rầu rĩ, xua tay bảo: “Không được nói vống lên tôm chết nhiều, anh ạ. Vì ngành chức năng muốn dân tiêu hủy tôm chết; còn đầu nậu nó lợi dụng ép giá tôm; và mấy ông ngân hàng chặn đứng nguồn vốn cho vay nuôi tôm thì dân có nước “chết đứng”, chứ mất trắng thu nhập, lấy đâu ra tiền để tiếp tục đầu tư?”.
Thì ra là vậy! Trong cơn “dịch” bệnh tôm hoành hành, mỗi ngày, người dân Đầm Môn, Khải Lương, Ninh Tân, Ninh Đảo... vẫn âm thầm, lặng lẽ, buộc phải làm cái việc bất đắc dĩ là lặn vớt... tôm hùm chết để bán. Nhiều người hoang mang, mất ăn mất ngủ, vì tôm của họ liên tục “rụng” với số lượng lớn và có nguy cơ trắng tay, trong khi nợ vay ngân hàng vài trăm triệu đồng/hộ. Nhiều hộ dân ở đây đã chạy nháo nhào, xuất bán tháo tôm non hàng loạt. Mặc dù giá tôm bị “ép” xuống thấp, lỗ nặng, nhưng cũng chẳng có mấy người mua (cứ bán 100 con tôm non, lỗ mất vốn từ 10 - 20 triệu đồng (tùy kích cỡ tôm), chưa tính tiền công chăm sóc gần 10 - 12 tháng trời - PV).
Dù bà con không ai muốn công khai số lượng tôm thiệt hại của mình, nhưng qua thu thập thông tin của chính quyền địa phương, tôm chết đã chiếm từ 20 - 40% số lượng của từng bè tôm nuôi ở Vạn Thạnh. Như bè nuôi của ông Nguyễn Văn Thở đã hao hụt mất 40% trong tổng số hơn 2.000 tôm nuôi; Huỳnh Hân cũng mất 40% trong số 6.000 tôm nuôi; Huỳnh Văn Long nuôi 1.500 con chỉ còn 900 con; Đinh Văn Hải mất hơn 1.000 trong số 3.000 con,... Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa đã điều tra và vừa công bố các xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) có trên 10.000 ô lồng nuôi tôm hùm, hiện mỗi ngày lượng tôm chết (loại có kích cỡ hơn 0,5 kg/con) mà các đầu nậu thu mua được khoảng 1 tấn. “Đã có hơn 60 tấn tôm hùm chết, ước thiệt hại trên 100 tỉ đồng” - ông Đào Văn Lương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vạn Ninh - cho biết.
Chữa bệnh tôm bằng... thuốc dùng cho người!
Trong ngôi nhà gần bên chân sóng, “lão” Nguyễn Văn Thở cầm 4 con tôm chết trên tay, lại thở ra: “Tôm hùm có giá trị kinh tế rất cao, phải đầu tư tiền tỉ cho con giống và lồng bè nuôi, nhưng bây giờ lại bán tôm chết, thu bạc lẻ. Bè tôm của tôi đã có hơn 800 con tôm chết. Nếu tính bình quân mỗi con tôm nặng 0,5 kg, bán theo giá thị trường hơn 1 triệu đồng/kg (hiện giá tôm sống thương phẩm rớt thê thảm từ 2,4 triệu đồng xuống còn 1,1 triệu/kg tôm loại 1 – PV), thì tui mất đứt hơn 400 triệu đồng.
Bao nhiêu tiền của, công sức nhọc nhằn với sóng gió để nuôi tôm có nguy cơ bị mất trắng! Khổ nỗi, hiện tôm vẫn tiếp tục “đi” từng ngày, từng giờ. Tôi cũng như bà con ở đây hoang mang, lo lắng và vẫn đang loay hoay mày mò tìm muôn phương cứu chữa, chứ không biết dùng thuốc gì để “trị” dứt điểm bệnh tôm”.
“Còn nước còn tát” - nhiều người đã phải chạy mua đủ các loại thuốc phòng trị bệnh của tôm sú như Anti-Vibrio f/S2, Vitamin C 10%, Beta-Ro 20+20... ngâm trộn vào thức ăn cho tôm hùm, nhưng không có kết quả. TS Võ Văn Nha – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia môi trường và bệnh thủy sản (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III – Khánh Hòa) – cho biết: Tôm hùm nuôi ở các vùng biển Khánh Hòa và Phú Yên đều phát sinh bệnh sữa do vi khuẩn ký sinh nội bào, bệnh đen mang và long đầu do nấm, còn bệnh đỏ thân là do một loài virus gây ra. Ngành chức năng đã tập huấn và khuyến cáo bà con sử dụng phác đồ điều trị bệnh tôm hùm của Bộ NNPTNT. Tuy nhiên, người dân chưa tin dùng phác đồ điều trị mà lại lạm dụng thuốc Enrofloxacine nằm trong danh mục cấm của Bộ NNPTNT; và sử dụng khá phổ biến các loại thuốc chữa bệnh cho người như Tetracycline, Amphicillin, Rifamycin, Entero Caps, Cotrimxazon,... để chữa trị cho tôm hùm.
Trong khi đó, ông Đào Văn Lương - Trưởng phòng NNPTNT huyện Vạn Ninh - khẳng định: “Phác đồ điều trị của Bộ NNPTNT không còn thích nghi, không phát huy tác dụng, không trị khỏi bệnh tôm triệt để; bởi khi dùng Doxicycline, Oxy Tetracycline, tôm ngừng chết nhưng sau 2 tuần đến 1 tháng bệnh tái phát mạnh. Còn phương pháp đưa tôm lên khỏi mặt nước để tiêm chích thì hoàn toàn không phù hợp”.
Thực tế cho thấy, việc loạn dùng thuốc trị bệnh tôm hùm cho hiệu quả không cao, dẫn đến hiện tượng tôm kháng thuốc và vẫn xảy ra chết rải rác. Ông Phan Văn Ni – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh – cho hay, hiện mầm bệnh tôm đang lây lan mạnh, do mật độ lồng, mật độ thả nuôi quá dày, hầu hết các chất thải từ hoạt động nuôi tôm (kể cả xác tôm chết không tiêu hủy, thối rữa, hàng tấn thức ăn tươi sống dư thừa hằng ngày) đều xả thải trực tiếp gây tồn tích cặn bã và ô nhiễm vùng nuôi.
Các vùng bùng phát bệnh tôm đều thực hiện quy trình nuôi thủ công, chưa quy hoạch chi tiết; chưa giám sát, kiểm soát được chất lượng con giống, môi trường, dịch bệnh... Nhà chế biến thuốc cũng nhân cơ hội này “té nước theo mưa” sản xuất hàng loạt thuốc bột Tetracycline đóng gói hàng kilogram để cung ứng chữa bệnh tôm, nhưng không thấy ngành chức năng kiểm định chất lượng!
Lẽ nào “bó tay”?
Chiều Vạn Thạnh, những con đò nhỏ vẫn đang chòng chành chở từng thùng tôm chết từ bè ngoài biển vào bờ. Ông Thở cho biết thêm, tôm bệnh cũng đang bùng phát dữ dội ở vùng nuôi lân cận Vũng Rô và các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh (Phú Yên).
Tôi chợt nhớ, trong cơn “đại dịch” năm 2007, Bộ NNPTNT phải thành lập tổ công tác khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh tôm hùm miền Trung; Cục Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y (Nafiqaved) cũng đã “nhờ” các tổ chức thế giới như OIE, NACA, Seafdec... hỗ trợ kỹ thuật trị bệnh tôm Việt Nam. Thế nhưng, đã non nửa thập kỷ trôi qua, những phác đồ điều trị, những nỗ lực “cứu” tôm phát bệnh vẫn không đạt kết quả như mong muốn.
Và người nuôi tôm hùm đang thật sự lao đao, thật sự “đánh bạc với trời” với nhiều bất trắc, rủi ro, có thể trắng tay, lâm nợ. Lẽ nào đành “bó tay” trước nạn bệnh tôm đang bùng phát, lây lan mạnh khắp nơi?