"Thủ Phủ" tôm hùm thận trọng trước cơn bão số 9
Bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Nam Trung bộ. Những hộ nuôi trồng thủy sản tại “thủ phủ” nuôi lồng bè Khánh Hòa, Phú Yên đã chủ động ứng phó, rút kinh nghiệm sau những thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 12 hồi tháng 11/2017.
Tại Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 41.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản, với 8.000 dân.
Ghi nhận của chúng tôi tại địa phương này, rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12 năm ngoái, mấy ngày nay khi nghe tin cơn bão có khả năng sẽ đổ bộ trực tiếp, người nuôi trồng thủy sản trên vịnh Vân Phong rất lo sợ, chủ động chồng chắn, di dời lồng bè đến nơi an toàn.
Người nuôi tôm hùm lồng ở Sông Cầu (Phú Yên) giám sát lồng nuôi, thu hoạch tôm đủ kích cỡ thương phẩm để tránh thiệt hại khi bão xảy ra.
Ông Võ Thành Loan, một người nuôi trồng thủy sản ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cho biết: “Bão năm ngoái bà con thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nguyên nhân trong đó có một phần là bà con hơi lơ là, chủ quan. Rút kinh nghiệm năm nay, dù bão chưa vào nhưng bà con đã bắt đầu mua dây làm neo để chằng chống lồng bè. Như gia đình tôi hiện có 20 ô lồng nuôi tôm hùm, chiều nay (22/11) đã bắt đầu neo chặt. Bão này nếu mà vào tôi sẽ chấp hành “bỏ của chạy lấy người”, chứ không ở trên bè nữa”.
Ông Lê Hoàng Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, toàn xã hiện có gần 5.000 ô lồng, với 442 hộ nuôi. Dù bão chưa vào nhưng thời điểm này ý thức người dân chủ động ứng phó rất tốt, nhiều hộ đã di dời lồng bè vào khu vực Đầm Môn - nơi kín gió, an toàn. Bên cạnh đó, từ chiều nay chúng tôi đã phối hợp Bộ đội Biên phòng dùng ca nô tuyên truyền người dân chằng chống, di dời lồng bè. Công việc này sẽ được địa phương hoàn thành sớm trước khi bão vào. “Rút kinh nghiệm cơn bão năm ngoái, chúng tôi dứt khoát không để người dân ở lại trên bè, tránh gây thiệt hại về người”, ông Vương nói.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, cho biết, toàn huyện hiện có trên 1.000 hộ nuôi trồng thủy sản, với trên 10.000 ô lồng. Để chủ động ứng phó cơn bão số 9, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản và di dời lồng bè an toàn, ngay sau khi cuộc họp vào sáng 22/11, huyện đã triệu tập các địa phương chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Theo đó, huyện yêu cầu các địa phương vận động người dân di dời lồng bè vào vùng kín gió.
Trong đó các vùng kín gió đều nằm trong 6 vùng quy hoạch nuôi như thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng; lạch Cổ Cò, xã Vạn Thạnh; Bãi Nặm và Bãi Sau thuộc thôn Khải Lương, Vạn Thạnh; Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò; phía nam Hòn Ông; Hòn Vung hoặc kéo bè vào gần bờ hơn. “Dự kiến, khoảng 16 giờ ngày 23/11, chúng tôi sẽ hoàn thành việc di dời dân và lồng bè. Sau đó, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành di dời của người dân. Nếu ai không chấp hành sẽ cưỡng chế, tránh gây thiệt hại về người”, ông Phẩm nói.
Tại Phú Yên, theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, tính đến cuối tháng 10/2018, trên toàn địa bàn TX Sông Cầu có 4.581 hộ NTTS; trong đó có 3.794 hộ NTTS lồng bè với 25.749 lồng nuôi ươm giống tôm hùm và 55.315 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, tập trung chủ yếu ở 2 vùng nuôi chính là vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thuộc các xã, phường Xuân Đài, Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Phương, Xuân Cảnh và Xuân Thịnh. Bên cạnh đó, tại TX Sông Cầu còn có 787 hộ NTTS ao đìa.
Sau “đại nạn” trong cơn cơn bão số 12 xảy ra vào tháng 11/2017 vừa qua, “thủ phủ tôm hùm” Sông Cầu gần như tan hoang, hàng nghìn lồng, bè nuôi tôm hùm thương phẩm và hàng chục bè nuôi tôm hùm giống bị cuốn trôi, thiệt hại đến hàng trăm tỷ đồng, hầu hết người nuôi lâm cảnh trắng tay, kiệt quệ. Sự cố nói trên đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu. Do đó, trước mùa bão lũ năm nay, không đợi đến công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và ngành chức năng, hầu hết người NTTS lồng bè ở TX Sông Cầu đã chủ động triển khai các giải pháp đối phó với thiên tai.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTN Phú Yên, cho biết: “Trước khi bước vào mùa mưa bão, để tránh thiệt hại, những hộ NTTS lồng bè ở TX Sông Cầu đã chủ động các giải pháp đối phó với thiên tai, công việc họ quan tâm trước tiên là thường xuyên giám sát lồng nuôi, những lồng tôm hùm đã đạt kích cỡ thương phẩm người nuôi lập tức thu hoạch chứ không nuôi “ráng” như những năm trước. Những lồng bè nằm ở các khu vực dễ bị sóng gió tác động được họ giằng chống kỹ lưỡng, hoặc hạ lồng nuôi xuống sâu dưới mặt nước. Tính đến cuối tháng 10/2018, trên địa bàn TX Sông Cầu đã có 30.587 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm đã thu hoạch, sản lượng ước đạt 1.204 tấn, số lồng còn lại đã được giằng chống nhằm tránh bị sóng gió cuốn trôi”.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, chia sẻ thêm: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, buộc những hộ NTTS phải lập tức rời khỏi lồng bè khi có gió bão xảy ra. Các địa phương luôn sẵn sàng lực lượng đi đến từng lồng bè động viên người nuôi vào bờ khi có bão, trước hết bảo toàn tính mạng”.
Tại Ninh Thuận, mặc dù địa phương này có số lượng không lớn với tổng số 300 lồng bè nuôi tôm hùm, cá mú, cá bớp tại huyện Ninh Hải, Thuận Nam nhưng theo ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng BCH PCLB và tìm kiếm cứu nạn Ninh Thuận: Do giá trị hải sản trong lồng bè rất lớn nên người nuôi thường có tâm lý tiếc của ở lại lồng bè coi giữ. Chính vì vậy UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt người nuôi phải đưa lồng bè vào nơi an toàn. Đến chiều 22/11 toàn bộ lồng bè đã được di chuyển về nơi neo đậu an toàn và khi bão tiến vào gần bờ có lệnh thì toàn bộ người trên các lồng bè phải lên bờ, nếu người dân không chịu thì lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế di dời.
Còn ở Bình Định, địa phương có 120 hộ ngư dân ở xã Nhơn Hải và phường Hải Cảng chuyên NTTS lồng bè với các đối tượng tôm hùm, cá mú, cá chẽm, với tổng thể tích 35.000m3. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: “Trước cơn bão số 9, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thông báo đến các hộ nuôi về tình hình thời tiết, buộc họ phải rời khỏi lồng bè khi có bão xảy ra. Đồng thời, ngoài nhắc nhở các hộ nuôi giằng chống lồng bè, còn hướng dẫn họ nếu mưa lớn, nguồn nước tại khu vực nuôi Mũi Tấn bị ngọt hóa thì phải dùng tàu ghe kéo lồng bè di chuyển về phía Hải Giang để tránh tình trạng cá nuôi bị chết do nước ngọt”.