Quý 1 ngư dân Quỳnh Lưu đánh bắt được hơn 9.000 tấn hải sản
Trong 3 tháng đầu năm 2019 ngư dân toàn huyện Quỳnh Lưu đã khai thác được hơn 9.000 tấn hải sản các loại. Trong đó mực tươi hơn 4 nghìn tấn, cá hố 2 nghìn tấn, cá trỏng cơm 2.500 tấn còn lại là các loại cá khác tôm, ốc và ghẹ. Chủ yếu sản phẩm hải sản của ngư dân các xã Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận và Sơn Hải.
Đối với mực tươi và cá trỏng bà con chủ động sơ chế cấp đông để tiêu thụ trong tỉnh và làm nước mắm. Còn đối với cá hố được các đại lý, cơ sở đông lạnh thu gom để chế biến xuất khẩu sang nước ngoài. Các hải sản tươi sống như ốc ghẹ, tôm tít, sò điệp được nhập cho các nhà hàng khách sạn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Riêng đối với cá hố trong những chuyến đầu năm nhiều phương tiện tầu thuyền trúng đậm cá hố, thu về từ 400 đến 800 triệu /chuyến biển. Theo ngư dân cho biết vài năm trở lại đây giá trị của loài cá hố tăng 2-3 lần so với trước. Nguyên nhân là do nhu cầu đặt hàng bên phía Trung Quốc tăng mạnh. Cá đánh bắt được bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu, không có tồn đọng hàng.
Hiện nay cá hố được các cơ sở chế biến thành 3 loại gồm cá hố tươi, cá hố 1 nắng và cá hố khô. Giá cá hố thu mua tại bến là 100 – 120 nghìn đồng/kg sau khi chế biến xuất sang Trung Quốc có giá 170 nghìn đồng đối với cá tươi, 200 nghìn đồng/kg cá một nắng và 400 nghìn đồng/kg cá khô. Cá biệt vào cuối tháng 3 có tàu của Ngư dân Nguyễn Sông Lam, xóm 9 xã Quỳnh Thuận đã trúng đậm mẻ lưới cá hố với sản lượng 17 tấn cho thu giá trị 1,7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí trung bình mỗi bạn ngang có thu nhập 30 triệu đồng. “Cá hố là loại cho giá trị kinh tế cao, thời điểm trước tết có khi đạt 200 ngàn đồng/kg tươi. Mình phải hiểu nôm na là cá này nó đi sỏm, nó đi từng bầy vào sinh mở cả bầy như vậy là mình cứ chạy tối ngày, đến khi có cá là máy dò ngang nó báo là tự lưới nó vây. Ban đầu ước chừng được 4-5 tấn nhưng sau cứ kéo lên là cá nổi ướp dần ướp dần được 17 tấn. Ngư dân Nguyễn Sông Lam cho biết.
Với sản lượng khai thác đạt khá cùng với công nghệ chế biến cá mực chất lượng cao đã giúp tăng giá trị của hải sản cho bà con vùng biển lên gấp 2 lần so với sản phẩm thô, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động vùng biển