Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn thủy sản
Ngày 07 tháng 8 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thông tư số 07/2019/TT-BNNPTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn thủy sản. Theo đó, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn hỗn hợp; Thức ăn bổ sung và Thức ăn tươi, sống.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn hỗn hợp (QCVN 02-31-1: 2019/BNNPTNT) quy định các chỉ tiêu an toàn và giới hạn cho phép đối với Thức ăn hỗn hợp (mã HS 2309.90.13; 2309.90.19) dùng trong nuôi trồng thủy sản. QCVN 02-31-1: 2019/BNNPTNT áp dụng đối với các Tổ chức/cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu Thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn hỗn hợp, Quy định về kỹ thuật đã đặt ra các giới hạn an toàn (giới hạn tối đa cho phép) đối với các chỉ tiêu: Aflatoxin B1, Ethoxyquin, Chì (Pb), Cadimi (Cd), Thủy ngân (Hg), Asen (As) vô cơ, Salmonella.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn bổ sung (QCVN 02-31-2: 2019/BNNPTNT) quy định các chỉ tiêu an toàn và giới hạn cho phép đối với Thức ăn bổ sung (mã HS 2309.90.20) dùng trong nuôi trồng thủy sản. QCVN 02-31-2: 2019/BNNPTNT áp dụng đối với các Tổ chức/cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu Thức ăn bổ sung dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn bổ sung đã giải thích các thuật ngữ (để sử dụng trong bản Quy chuẩn) như sau: (1) Thức ăn bổ sung/chất bổ sung; (2) Chế phẩm enzyme; (3) Chế phẩm probiotic; (4) Chế phẩm prebiotic; (5) Nhóm axit hữu cơ.
Đối với Nhóm Vitamin, Axit amin, Axit hữu cơ (dạng đơn hoặc hỗn hợp), Quy định về kỹ thuật đã đặt ra các giới hạn tối đa cho phép đối với 04 loại kim loại nặng (Asen vô cơ, Cadimi, Chì, Thủy ngân) và 02 loại vi sinh vật (Escherichia coli, Salmonella). Đối với Nhóm Chế phẩm enzyme, chế phẩm probiotic, chế phẩm prebiotic (dạng đơn hoặc hỗn hợp), Quy định về kỹ thuật đã đặt ra các giới hạn tối đa cho phép đối với Aflatoxin B1 và 03 loại kim loại nặng (Cadimi, Chì, Thủy ngân), 02 loại vi sinh vật (Escherichia coli, Salmonella).
Đối với Nhóm Hoạt chất sinh học và sản phẩm chiết xuất từ thực vật, Quy định về kỹ thuật đã đặt ra các giới hạn tối đa cho phép đối với 03 loại kim loại nặng (Asen vô cơ, Chì, Thủy ngân) và 02 loại vi sinh vật (Escherichia coli, Salmonella). Đối với Nhóm Hoạt chất sinh học và sản phẩm chiết xuất từ động vật, Quy định về kỹ thuật đã đặt ra các giới hạn tối đa cho phép đối với Ethoxyquin và 05 loại kim loại nặng (Asen tổng số, Asen vô cơ, Cadimi, Chì, Thủy ngân), 02 loại vi sinh vật (Escherichia coli, Salmonella). Trong trường hợp hàm lượng Asen tổng số nhỏ hơn 2 mg/kg thì không phải kiểm tra chỉ tiêu Asen vô cơ.
Đối với 02 Nhóm (Khoáng chất và Hóa chất), Quy định về kỹ thuật đều đặt ra giới hạn tối đa cho phép đối với 04 loại kim loại nặng (Asen vô cơ, Cadimi, Chì, Thủy ngân).
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn tươi, sống (QCVN 02-31-3: 2019/BNNPTNT) quy định các chỉ tiêu an toàn và giới hạn cho phép đối với Thức ăn tươi, thức ăn sống (mã HS 2309.90.90) dùng trong nuôi trồng thủy sản. QCVN 02-31-2: 2019/BNNPTNT áp dụng đối với các Tổ chức/cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu Thức ăn tươi, thức ăn sống dùng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Đặc biệt là, Quy chuẩn này không áp dụng đối với các Tổ chức/cá nhân tự sản xuất Thức ăn tươi, thức ăn sống để sử dụng nội bộ.
Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thức ăn tươi, sống đã giải thích thuật ngữ (để sử dụng trong bản Quy chuẩn) như sau: Thức ăn tươi, thức ăn sống là các loại sinh vật chưa qua chế biến, ở trạng thái sống, tươi, đông lạnh dùng làm thức ăn cho động vật thủy sản.
Quy định về kỹ thuật đã đặt ra giới hạn tối đa cho phép của các Nhóm chỉ tiêu Vi sinh vật, Kim loại nặng và Ký sinh trùng đối với các Nhóm Artemia tươi, sống; Động vật thân mềm hai mảnh vỏ tươi, sống; Động vật thân mềm chân đầu, chân bụng tươi,sống.
Các quy định về quản lý và tổ chức thực hiện
Tổ chức/cá nhân công bố hợp quy Thức ăn hỗn hợp/ Thức ăn bổ sung/ Thức ăn tươi, thức ăn sống theo những biện pháp khác nhau (tùy thuộc vào loại sản phẩm sản xuất trong nước; hay nhập khẩu). Việc đánh giá sự phù hợp của các loại thức ăn cũng được thực hiện theo những phương thức khác nhau (tùy thuộc vào loại sản phẩm sản xuất trong nước; hay nhập khẩu).
Trình tự công bố hợp quy và Hồ sơ công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại các khoản 3 và 4, Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012. Thông tư số 07/2019/TT-BNNPTNT quy định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận Hồ sơ công bố hợp quy của các Tổ chức/cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương
Nội dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định tại Phụ lục II, Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản tiến hành phổ biến, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định nêu tại văn bản mới.
Thông tư 07/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020