Quy định về quan trắc môi trường nuôi thủy sản ở địa phương
Ngày 10-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản, trong đó quan trắc môi trường (QTMT) được xem là giải pháp quan trọng và hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.
Quy tắc thực hiện QTMT
Theo đó, nguyên tắc về quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản là phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản, thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý thủy sản, thú y; cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục cần thiết.
Chi cục Thủy sản chủ trì và phối hợp với Chi cục Thú y và các cơ quan liên quan xây dựng Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản của địa phương, báo cáo Sở NN&PTNT trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Nội dung chính của kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản bao gồm: Xác định nhu cầu, mục tiêu quan trắc; xác định vùng, điểm và đối tượng quan trắc; xác định thông số, tần suất, thời điểm và phương pháp quan trắc; xác định các tổ chức, cá nhân phối hợp tham gia thực hiện; xác định nhu cầu kinh phí, nguồn kinh phí và nguồn lực để triển khai thực hiện.
Tiêu chí xác định vùng QTMT là vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, có chung nguồn nước cấp, được xác định theo địa giới hành chính, phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương; những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường; vùng nuôi có diện tích từ 10 ha trở lên đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, từ 200 ha trở lên đối với hình thức nuôi khác, từ 1.000 m3 trở lên đối với nuôi lồng, bè.
Điểm quan trắc phải có tính ổn định và đại diện cho toàn vùng; xác định được tọa độ và được đánh dấu trên bản đồ. Đối tượng quan trắc là động vật thủy sản nuôi có sản lượng lớn, có giá trị thương phẩm cao, được nuôi tập trung trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.
Các thông số môi trường thông thường cần quan trắc gồm các yếu tố khí tượng thủy văn như nhiệt độ không khí, áp suất khí quyển, độ ẩm, gió, sóng, dòng chảy, lượng mưa, nhiệt độ, độ đục, chất rắn lơ lửng (TSS), độ mặn, pH, DO, BOD5, COD, SO42-, H2S.
Các chất dinh dưỡng như: NO2-, NO3-, NH4+(NH3), PO43-, SiO32-, N tổng số (Nts), P tổng số (Pts). Các kim loại nặng và hóa chất độc hại như: Cu, Pb, Zn, Cd, As, Hg, Cr3+, Cr6+, Ni, Mn và Fe tổng số (Fets).
Hóa chất bảo vệ thực vật gồm nhóm Clo hữu cơ, nhóm lân hữu cơ, nhóm carbamate, nhóm cúc tổng hợp, nhóm neonicotinoid, nhóm avermectin, thuốc trừ cỏ và tổng độ phóng xạ a, b. Thực vật phù du tổng số, các loài tảo độc hại.
Vi khuẩn tổng số, Coliforms, Vibrio spp., Aeromonas spp. và các tác nhân gây bệnh ở động vật thủy sản nuôi (trên cơ sở thống nhất với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y về phạm vi, địa điểm lấy mẫu xét nghiệm). Các chất hữu cơ gây ô nhiễm như chất hoạt động bề mặt, dầu, mỡ, phenol.
Cơ chế xử lý, báo cáo
Đơn vị QTMT có trách nhiệm thực hiện quan trắc cần thu thập các thông tin nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh động vật thủy sản và kết quả QTMT từ các bộ phận khác để đánh giá, tổng hợp và bổ sung kết quả QTMT nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện đo, phân tích, tổng hợp, xử lý số liệu, báo cáo kết quả quan trắc và biên soạn bản tin quan trắc theo kế hoạch QTMT. Trong vòng 3 ngày kể từ khi thu mẫu, đơn vị QTMT phải gửi báo cáo và bản tin QTMT đến Chi cục Thủy sản.
Chi cục Thủy sản có trách nhiệm cung cấp thông tin hoạt động nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện của đơn vị QTMT; trong vòng 1 ngày kể từ khi nhận kết quả quan trắc, gửi báo cáo kết quả cho Tổng cục Thủy sản, cơ quan quản lý thủy sản cấp huyện, UBND xã vùng quan trắc và các đơn vị liên quan.
Khi phát hiện môi trường có diễn biến bất lợi hoặc có nguy cơ bất lợi cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản tại một địa phương, đơn vị QTMT báo cáo ngay cho Chi cục Thủy sản ra quyết định cảnh báo và ứng phó kịp thời; đồng thời báo cáo Tổng cục Thủy sản, thông báo cho Cục Thú y, Chi cục Thú y và các đơn vị liên quan phối hợp xử lý.
Chi cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, đơn vị QTMT thực hiện kế hoạch QTMT đã được phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, triển khai các biện pháp khắc phục, báo cáo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan kết quả QTMT của địa phương.
Chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản theo dõi, giám sát môi trường tại cơ sở nuôi trồng thủy sản; ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản và đơn vị thực hiện quan trắc; cung cấp thông tin, số liệu về QTMT, phòng bệnh động vật thủy sản nuôi khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động QTMT kịp thời, hiệu quả.
Cảnh báo hàm lượng vi khuẩn Vibrio vùng nuôi nghêu cao
Ngày 16-5, Chi cục Thú y Tiền Giang có thông báo kết quả QTMT và mầm bệnh trên nghêu nuôi. Theo đó, các chỉ tiêu môi trường vùng nuôi nghêu tại khu vực quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép. Trong mẫu nghêu thu tại vùng nuôi khu vực cồn Ông Mão có sự hiện diện của ký sinh trùng Perkinsus sp. nhưng cường độ cảm nhiễm ký sinh trùng Perkinsus sp. thấp, chưa có khả năng gây ảnh hưởng cho nghêu nuôi.
Tuy nhiên, mẫu bùn và thịt nghêu ở cả 2 vùng nuôi cồn Vạn Liễu, cồn Ông Mão đều có hàm lượng vi khuẩn Vibrio tổng số cao hơn gấp 100 lần giới hạn cho phép (1.000 CFU/ml).
Cụ thể, một số chỉ tiêu môi trường nước tại thời điểm lấy mẫu như nhiệt độ: 300C, độ mặn: 19 g/lít; mầm bệnh ký sinh trùng Perkinsus sp. tại vùng nuôi nghêu thuộc cồn Vạn Liễu không phát hiện, cồn Ông Mão có tỷ lệ cảm nhiễm 12% và cường độ cảm nhiễm 247,39 (bào tử nghỉ/g); mẫu bùn và thịt nghêu ở cả 2 vùng nuôi đều có hàm lượng vi khuẩn Vibrio tổng số lớn hơn 110.000 CFU/ml (giới hạn cho phép ≤ 1.000 CFU/ml).
Trước điều kiện thời tiết có nhiều biến động, kết hợp với hàm lượng vi khuẩn Vibrio tổng số cao hơn gấp nhiều lần giới hạn cho phép, Chi cục Thú y khuyến cáo người nuôi nghêu nên thu hoạch đối với nghêu đạt cỡ thương phẩm nhằm hạn chế nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, đề nghị người nuôi nghêu cần thường xuyên theo dõi tình hình nghêu nuôi, kịp thời thông báo với chính quyền địa phương, Trạm Thú y hoặc gọi vào đường dây nóng miễn phí 073.3888111 khi phát hiện nghêu có dấu hiệu bất thường để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp xử lý.