TIN THỦY SẢN

Quy hoạch lại vùng nuôi và chế biến cá tra Đồng Tháp

Cá tra nuôi theo hình thức công nghiệp ở Đồng Tháp Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL

Đồng Tháp sẽ đưa ra khỏi quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí.

Trong 5 ngành hàng chủ lực mà tỉnh Đồng Tháp lựa chọn để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì ngành hàng cá tra đóng vai trò khá quan trọng. 

Với những đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh trong thời gian qua, dự báo ngành hàng này vẫn sẽ là ngành hàng chủ lực trong thời gian tới. Tuy nhiên với diện tích manh mún, không tập trung sẽ là rào cản cho sự phát triển. Do đó việc quy hoạch lại vùng nuôi, chế biến, tiến tới cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn GlobalGap… sẽ là bước khởi đầu làm thay đổi diện mạo ngành hàng này trong thời gian tới. 

Là địa phương dẫn đầu về nuôi và chế biến cá tra trong khu vực và cả nước với diện tích khoảng 2000 ha, Đồng Tháp có gần 40 doanh nghiệp nuôi, chế biến và xuất khẩu thuộc lĩnh vực này. Sản lượng cá tra thương phẩm năm 2014 ước đạt gần 390 ngàn tấn, mang về cho tỉnh trên 400 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên sự phát triển ngành hàng cá tra đã và đang xuất hiện những rào cản nhất định. 

Manh mún, quy mô nhỏ, sản lượng thấp… là những khó khăn hiện tại. Do đó, trong đề án quy hoạch lại vùng nuôi và chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh từ nay đến 2020 và tầm nhìn đến 2025 theo Nghị định 36 của Chính Phủ, Đồng Tháp đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục triệt để những hạn chế này. 

Ông Trần Hoài Giang – Phân viện trưởng Phân viện quy hoạch thủy sản phía Nam chia sẻ: "Đồng Tháp bắt buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trình độ sản xuất thì mới đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Như vậy, nếu quy hoạch được thực hiện thì chắc chắn chúng ta sẽ phát triển bền vững. Bền vững về mặt môi trường, bền vững về mặt sản xuất, góp phần làm cho sản xuất của chúng ta ổn định". 

Theo Phân viện nuôi trồng thủy sản phía Nam, tiêu chí để đưa vào quy hoạch vùng nuôi là vấn đề bảo vệ môi trường, quản lí nước thải, mức độ ảnh hưởng dân cư… Dựa theo các tiêu chí này, phân viện đã lập Quy hoạch bản đồ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh tới năm 2020 với tổng diện tích mặt nước đạt 2000 ha, sản lượng thu hoạch trên 540 ngàn tấn. 

Toàn tỉnh sẽ có 3 vùng nuôi quy mô trên 300 ha là Thanh Bình, Tam Nông và huyện Cao Lãnh. Trong đó chủ yếu là vùng nuôi hiện hữu của các doanh nghiệp và một số diện tích ao nuôi cá nhân. 

Bà Tăng Ngọc Hương – Trưởng Trạm thủy sản huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Để thực hiện tốt Nghị định 36, sắp tới địa phương phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh đang tuyên truyền vận động để các hộ cá thể vào tổ hợp tác chuẩn bị cho tư vấn hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, hiện nay Trạm, Chình quyền địa phương và các hộ nuôi cũng tiến hành ghi chép và báo về vùng nuôi của tỉnh".

Sau quy hoạch, các vùng nuôi sẽ đăng kí được cấp mã số vùng nuôi và cấp chứng nhận an toàn sản xuất theo quy trình nuôi sạch VietGap hoặc GlobalGap…Đối với diện tích nuôi thuộc quy trình nuôi, chế biến của các doanh nghiệp do sản xuất hướng đến an toàn và truy xuất nguồn gốc nên các doanh nghiệp luôn tuân thủ quy trình. Riêng các hộ dân thì vấn đề đăng kí, cấp mã số và quản lí nuôi trồng cần có thời gian và tập huấn đối với các hộ dân này nhằm đảo bảo chất lượng và an toàn cho cá thương phẩm. 

Ông Như Văn Cẩn – Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Tháp nêu rõ: "Sau khi quy hoạch chúng ta sẽ có những vùng nuôi tập trung, chuyên canh và đáp ứng được những yêu cầu về mặt kỹ thuật về bảo vệ môi trường về an toàn thực phẩm… để hướng tới xuất khẩu. Cùng với việc quy hoạch, chúng ta cấp mã số nhận diện cho ao nuôi và đăng kí sản lượng. Từng bước chúng ta kiểm soát quy định điều kiện trong hoạt động này. Đây cũng là cách mà chúng ta chứng minh với thị trường thế giới về quy mô và hoạt động nuôi đáp ứng được yêu cầu".


Dây chuyền chế biến cá tra phi lê ngày càng được đầu tư hiện đại

Cũng theo quy hoạch này, tỉnh sẽ đưa ra khỏi Quy hoạch gần 700 ha vùng nuôi do không đáp ứng tiêu chí. Ngoài quy hoạch vùng nuôi chế biến cá thương phẩm, quy hoạch còn đưa ra quy hoạch vùng nuôi cá tra giống ở các vùng nuôi thuộc các huyện Cao Lãnh, Châu Thành và huyện Hồng Ngự. Dù còn nhiều phần việc cần triển khai, tuy nhiên việc sớm định hình vùng nuôi tập trung và đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc triển khai tái cơ cấu ngành hàng cá tra trên địa bàn tỉnh./.

Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL VOV, 16/06/2015