TIN THỦY SẢN

Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Đến năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ toàn vùng đạt 700.000-825.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 4 tỷ USD và thu hút nguồn lực lao động khoảng 1,2 triệu người.

Đây là mục tiêu đặt ra tại quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, phấn đấu tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 850.000-900.000 tấn. Trong đó, tôm sú đạt 400.000-450.000 tấn; tôm thẻ chân trắng đạt 450.000-500.000 tấn. Giá trị xuất khẩu đạt 5 tỷ USD, thu hút nguồn lực lao động khoảng 1,3 triệu người.

Quyết định nêu rõ, về định hướng phát triển, sẽ tiếp tục phát triển nuôi tôm nước lợ với các hình thức, phù hợp với mọi trình độ, vùng sinh thái, ưu tiên nuôi tôm thâm canh công nghệ cao ở những nơi đủ điều kiện hạ tầng và khả năng đầu tư; đồng thời chú trọng phát triển nuôi tôm sinh thái (tôm-rừng, tôm-lúa) ở những nơi bất lợi nuôi công nghiệp hoặc ngập mặn.

Về con giống, đến năm 2020, 100% tôm giống thương phẩm (sú, thẻ chân trắng) đạt chất lượng, sạch bệnh và sản xuất tại các địa phương trong vùng đạt 50%. Đến năm 2030 chủ động hoàn toàn nguồn tôm giống tại chỗ.

Đến năm 2030, tổng nhu cầu giống tôm nước lợ khoảng 160 tỷ con giống (giống tôm sú khoảng 60 tỷ con giống và giống tôm thẻ chân trắng khoảng 100 tỷ con giống).

Quy hoạch một số khu sản xuất giống tập trung như sau: vùng sản xuất giống có quy mô lớn hơn 50ha tại các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và các khu sản xuất giống tập trung quy mô nhỏ hơn 50ha ở Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Tiền Giang.

Quyết định cũng nêu rõ những giải pháp để thực hiện quy hoạch. Theo đó, về cơ chế chính sách, ngân sách nhà nước cùng các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung, hệ thống thủy lợi, khu xử lý chất thải ở các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung; áp dụng Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để thúc đẩy phát triển sản xuất tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Về khoa học công nghệ và khuyến ngư, tạo điều kiện thuận lợi nhập khẩu, thúc đẩy và khuyến khích nghiên cứu trong nước để từng bước làm chủ công nghệ mới trong nuôi, sản xuất giống, thức ăn và phòng trị dịch bệnh cho tôm nước lợ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng.

Đối với thị trường và xúc tiến thương mại, duy trì các thị trường truyền thống, có tỷ trọng xuất khẩu tôm nước lợ lớn. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm tôm nước lợ ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm thông qua các hoạt động triển lãm, hội chợ, tuyên truyền, quảng cáo. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến tiêu thụ tôm nước lợ chủ động xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm tôm nước lợ của Việt Nam, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ đáp ứng thị hiếu và lòng tin của người tiêu dùng.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ Tuổi trẻ, 14/01/2016