TIN THỦY SẢN

Quyết tâm làm giàu từ biển

Ngư dân huyện Đông Hải trúng mùa cá. Ảnh: P.Đ Lư Dũng

Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh xác định từ nay đến năm 2020 là đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển. Với những tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, Bạc Liêu hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi mục tiêu này, nhất là Bạc Liêu đã và đang xây dựng thành công nhiều mô hình làm giàu từ biển.

Đột phá trong khai thác, nuôi trồng

So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có nhiều mô hình đột phá trong nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Với điều kiện thổ nhưỡng, thiên nhiên ưu đãi, Bạc Liêu đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra nhiều hướng đi mới cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc, với thời gian nuôi chỉ 3 tháng, nhưng năng suất đạt từ 2 - 4 tấn, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ và 120 - 240 tấn/ha/năm. Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH MTV Hải Nguyên (TP. Bạc Liêu), với mật độ nuôi từ 250 - 366 con/m2, sau 3 tháng, tôm nuôi đạt từ 25 - 40 con/kg. Mô hình này có thể nuôi từ 3 - 4 vụ/năm, năng suất đạt từ 150 - 200 tấn/ha/năm, cho lãi từ 4 - 6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản thời gian qua cũng mang lại lợi nhuận khá cao và sản lượng khai thác không ngừng tăng. Năm 2010, sản lượng nuôi trồng, khai thác đánh bắt đạt hơn 241.000 tấn, thì đến năm 2015 sản lượng đạt 290.000 tấn, tăng 20,31% so với năm 2010.

Phát huy mọi thế mạnh

Cùng với nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, tiềm năng về phát triển kinh tế biển của Bạc Liêu còn rất nhiều và đa dạng. Cụ thể, với nguồn lợi thủy hải sản phong phú, biển Bạc Liêu được xem là nơi cung cấp nhiều loại thủy hải sản cho giá trị kinh tế cao. Với sản lượng khai thác cá đáy, cá nổi trên 800.000 tấn/năm rất thuận lợi cho phát triển nghề chế biến thủy hải sản xuất khẩu. Trong đó, có nhiều loại thủy hải sản được thị trường xuất khẩu ưa chuộng lâu nay như: tôm biển, mực, cá thu, cá chim, cá lạt vàng, cá dù chẻm…

Một ưu điểm lớn là vùng biển Bạc Liêu mỗi năm được bồi thêm từ 75 - 800m, nên việc xây dựng hạ tầng tại khu vực này ít tốn kém và gần như không bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đây chính là nguyên nhân mà các dự án phát triển điện gió thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Để phát huy và khơi dậy các tiềm năng về kinh tế biển, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ ban hành nhiều chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Qua đó, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển một cách bền vững và tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động cụm kinh tế ven biển, mở rộng cảng cá Gành Hào. Trong đó, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại và các mô hình dịch vụ phục vụ cho khai thác, chế biến.

Lư Dũng Báo Bạc Liêu, 27/10/2015