Rắn, kỳ tôm trước nguy cơ tận diệt
Tình trạng săn bắt rắn trái phép, nhất là rắn độc đang rộ lên ở hầu hết các địa phương, nhất là miền núi, đang hủy hoại môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái.
Vài năm trở lại đây, săn bắt rắn trở thành nghề kiếm sống của nhiều người. Theo anh N.V.T (ở xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân), một trong những người chuyên săn rắn, chỉ cần một sợi dây thòng lọng bằng ruột thắng xe đạp, hoặc một sợi dây thép có đường kính khoảng 3mm uốn cong hình móc câu rồi buộc vào đầu một cái cây nhỏ dài hơn 1m là có thể “hành nghề”. Rắn thường bò ra khỏi hang vào ban đêm để bắt mồi nên phải dùng đèn pin rọi mới phát hiện được. Có thể bắt gặp rắn ở nhiều nơi như trong bụi rậm, cành cây hay bờ ruộng cạn. Nếu rắn ở mặt đất, chỉ cần nhẹ nhàng đưa dây thòng lọng vào cổ rồi siết lại, còn rắn ở trên cành cây cao thì dùng móc sắt hình lưỡi câu khều xuống đất, rồi dùng nạng gỗ hình chữ V đè cổ, bỏ vào bao tải là xong. Anh T kể: “Nghe nhiều người mua rắn với giá cao, nên tôi đi lùng bắt bán kiếm thêm thu nhập. Ngày càng có nhiều người săn bắt nên hiện các loài rắn độc không còn nhiều, chỉ sót lại một số loài thông thường, giá rẻ như rắn lãi, rắn nước”.
Theo những người chuyên bắt rắn, để bắt được những loại rắn cực độc như hổ chúa, hổ trâu, mái gầm, cạp nong, cạp nia… không hề đơn giản và vô cùng nguy hiểm. Anh N.V.H (ở xã Xuân Phước, Đồng Xuân) cho hay, cách đây vài năm có một người trên đường làm rẫy về thấy một con rắn hổ chúa dài hơn 1m bò trước mặt, liền dùng tay vồ nhưng không may bị rắn cắn, dẫn đến tử vong. Theo nhiều người dân, hiện ở hầu hết các làng quê đều có người chuyên thu gom rắn và các loài động vật rừng khác. Rắn càng độc, kích cỡ càng lớn càng có giá trị cao. Tùy theo loài, mỗi ký rắn có giá từ 150.000 đến hơn 1 triệu đồng, có bao nhiêu, đầu nậu mua hết bấy nhiêu. Trong đó, giá trị nhất là rắn hổ chúa có giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/kg.
Không chỉ có rắn, tại các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (Sơn Hòa) và dọc bờ sông Ba thuộc 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, người dân cũng đang lùng bắt, tận diệt kỳ tôm, một loài bò sát đang được ưa chuộng. Việc săn bắt loại bò sát này diễn ra cả ngày lẫn đêm. Anh T.V.H ở xã Sơn Định cho biết, hiện giá kỳ tôm lớn, trọng lượng từ 0,2 đến 0,5kg/con từ 50.000 đến 70.000 đồng, loại nhỏ thì từ 3.000 đến 5.000 đồng/con. Kỳ tôm lớn thường được thương lái thu gom bán cho các nhà hàng làm món ăn đặc sản; còn kỳ tôm nhỏ bán cho các chủ trang trại nuôi ở các tỉnh từ Khánh Hòa đến TP Hồ Chí Minh. Nếu là kỳ tôm nhỏ thì trung bình mỗi người, mỗi ngày bắt được từ 200 đến 300 con; còn kỳ tôm lớn thì vô chừng, có bao nhiêu được thu mua hết bấy nhiêu.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tình trạng săn bắt rắn, kỳ tôm trái phép đã được kiểm lâm địa bàn kiểm tra thường xuyên nhưng rất khó phát hiện, ngăn chặn, vì người dân lén lút săn bắt. Lực lượng kiểm lâm sẽ xử lý nghiêm các trường hợp săn bắt rắn, kỳ tôm, nhất là các điểm tập kết, thu mua. Chính quyền các địa phương cũng cần phải vào cuộc, tuyên truyền để người dân không nên vì lợi ích trước mắt mà hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo các nhà khoa học, nước ta có 193 loài rắn, trong đó có 53 loài rắn độc. Loài vừa có độc, vừa có ngoại hình rất ấn tượng, nguy cơ gây chết người cao là rắn hổ chúa, hổ trâu, cạp nong, cạp nia, lục đầu bạc và rắn biển…