Rau câu rớt giá, nông dân mất nguồn thu
Hai năm nay, giá rau câu chỉ 4.000 đồng/kg, thấp hơn 9.000 đồng/kg so với trước đây. Không chỉ giá thấp, việc bán loại rau này cũng không dễ. Trong khi đó để làm ra được rau câu khô thành phẩm phải tốn nhiều công sức.
Rau câu rớt giá, tồn nhiều
Gia đình bà Nguyễn Thị Thùy ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), đang thu hoạch rau câu trong hồ nuôi tôm rộng 600m2. Chồng bà vớt rau câu đưa vào bờ, còn bà và con gái thì khiêng rau câu đến cạnh đường quốc lộ 1 để phơi. Tuy nhiên, trong lúc phơi bà Thùy còn phải lựa rong giẻ, rong nhớt bám vào rau. Khi phơi phải trở qua trở lại nhiều lần cho rau mau khô. Đợt này, gia đình bà Thùy thu hoạch khoảng 50kg, với giá bán 4.000 đồng/kg khô, chỉ thu được 200.000 đồng. Trong khi cách đây 2 năm, số rau câu này bán với giá 13.000 đồng/kg khô, thu nhập gần 650.000 đồng.
Theo nhiều người, trồng rau câu phụ thuộc vào thời tiết, tháng qua có mưa mát trời nên rau câu phát triển tốt, sản lượng tăng cao. Tuy nhiên, giá rau câu thấp, thương lái cũng không đến mua nên có nhà tồn cả tấn rau câu trong nhà.
Ông Trần Thiện ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu), đang vào bao rau câu khô chất trong nhà chờ thương lái đến mua. Hồ trồng rau câu của nhà ông Thiện rộng hơn 1.000m2, hiện nay nhiệt độ thích hợp cho rau câu vùng này phát triển tốt nên lần vớt này ông Thiện thu hơn 150kg. “Hồ này nuôi tôm nhưng tôm chết, tôi chuyển sang trồng rau câu. Mấy năm trước, rau câu bán với giá 12.000 đồng/kg khô, có tháng rau câu khan hiếm “nhảy” lên 13.000 đồng/kg khô, nay hạ xuống còn 4.000 đồng/kg. Không chỉ giá xuống thấp mà hiện nay bán rau câu cũng không dễ, nhà tôi hiện có gần 0,5 tấn rau câu khô, tôi gọi thương lái đến cân nhưng chờ 3 ngày rồi, thương lái vẫn bặt tăm”, ông Thiện nói.
Ông Nguyễn Văn Bình, một đại lý chuyên mua rau câu ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, cho biết: Các đại lý mua rau câu để xuất bán tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 2 năm nay rau câu được mùa dẫn đến giá thu mua hạ.
Thu nhập thấp
Tại huyện Tuy An, những ngày qua, dưới chân cầu Long Phú thuộc xã An Cư, nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan đang thu hoạch rau câu với tâm trạng buồn bã. Bà Bùi Thị Quyên ở xã An Cư, phân trần: Nhà tôi có hồ nuôi tôm rộng 1ha. Năm nay cửa biển An Hải thông ra biển nên thủy triều từ biển tràn vào, nước trong đầm dâng cao. Đây là hồ hở do xây bằng đá nên nước tràn vào hồ, chưa thả tôm được. Nước mặn trong hồ dồi dào nên rau câu phát triển, mới đây tôi vớt rau câu phơi khô bán 1 tấn chỉ được 4 triệu đồng. Làm ra được tấn rau câu khô mất rất nhiều công, chồng và con trai tôi vớt rau dưới hồ rồi chở bằng sõng câu vào. Sau đó, vác lên bờ để tôi phơi khô… cộng dồn lại gần cả tháng công nhưng thu nhập không đáng là bao. Năm nay nước lớn, tôm nuôi không được, rau câu thì mất giá, người dân ở đây gặp khó.
Còn bà Phan Thị Chín ở xã An Hiệp (huyện Tuy An), tâm sự: Tuổi già tôi không làm gì ra tiền nên hàng ngày đi vớt rau câu trong đầm Ô Loan về phơi khô bán. Tôi vừa bán 100kg rau câu khô chỉ được 400.000 đồng. Làm ra được 100kg rau câu khô tôi phải bỏ ra 5 ngày, công vớt, công phơi…
Ông Hồ Thanh Riếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước rộng hơn 1.250ha, ngoài việc nông dân ven đầm nuôi tôm thì rau câu cũng xuất hiện trong đầm tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân. Rau câu ở đầm Ô Loan rất phát triển, năng suất bình quân 15-22 tấn/ha. So với làm lúa thì rau câu ở đầm Ô Loan cho thu nhập cao hơn, nên đây là nguồn thu đáng kể của người dân 6 xã sống quanh đầm. Tuy nhiên gần đây rau câu mất giá làm cho nông dân ven đầm mất nguồn thu nhập. Để rau câu trở thành thế mạnh hàng hóa, tránh bị tư thương ép giá, địa phương rất cần sự quan tâm của Nhà nước đầu tư phát triển rau câu ở lĩnh vực quy hoạch vùng nuôi, tập huấn kỹ thuật cho người dân và liên kết các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ.