TIN THỦY SẢN

Rùa tai đỏ được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”

Rùa tai đỏ có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường Nguyệt Hoa

Ít ai biết rằng, rùa tai đỏ - một vật nuôi làm cảnh trông bắt mắt như thế lại là mối đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và thậm chí còn có tác động trực tiếp đến cân bằng sinh thái bản địa.

Những điều cần biết về rùa tai đỏ 

Rùa tai đỏ (tên khoa học là Trachemys scripta elegans) là loài động vật bán thủy sinh thuộc bộ rùa (Testudinata), lớp bò sát (Reptilia). Loài này có xuất xứ chủ yếu từ thung lũng Mississippi (Mỹ) và được xuất khẩu sang nhiều nước khác để làm vật nuôi hoặc chế biến thực phẩm.  

Tại Việt Nam, rùa tai đỏ được rất nhiều người ưa chuộng chọn làm vật cảnh bởi chúng có ngoại hình rất đặc biệt. Dù có kích cỡ không quá to (chiều dài của mai rùa chỉ đạt khoảng 20-25cm) nhưng chúng lại có điểm thu hút là ở vùng lưng hay cổ của loài rùa này thường hay có mảng đỏ và trên mai rùa có những sọc vàng cam. 

Bên cạnh đó, với giá thành tương đối rẻ (chỉ chưa đến 100.000 đồng) là người mua đã có thể sở hữu một con rùa tai đỏ. Do đó, ngoài làm vật nuôi thì chúng còn được bày bán “công khai” để phục vụ cho những người có nhu cầu phóng sinh.  

Điều đáng nói là ở nước ta hiện nay chưa có một loại công văn nào cho phép buôn bán rùa tai đỏ một cách chính thống và cũng còn rất ít người hiểu biết về hậu quả khi đưa loài vật nguy hiểm này ra môi trường tự nhiên. 

Rùa tai đỏ có nguồn gốc ngoại lai

Tại sao rùa tai đỏ lại có mức gây hại cao? 

Đứng trước sự gây hại của rùa tai đỏ, nhiều quốc gia đã ban hành một số luật lệ liên quan đến loài vật này. Cụ thể, tại Mỹ nghiêm cấm người dân sở hữu rùa tai đỏ hoặc nếu có mong muốn nuôi rùa tai đỏ thì kích thước phải dưới 10cm; tại Úc, nhà nước còn không cho phép người dân sở hữu rùa tai đỏ dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào.  

Đặc biệt, để bảo tồn sự đa dạng sinh thái, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã liệt kê loài này trong danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. 

Nguyên nhân khiến rùa tai đỏ trở thành “sát thủ thầm lặng” đối với hệ sinh thái là vì loài rùa này có khả năng thích ứng và sinh sôi rất nhanh chóng và mạnh mẽ ở cả vùng nước ngọt và nước lợ. Như vậy, nếu không kiểm soát kịp thời thì chúng sẽ phát triển và tập hợp thành những quần thể theo hướng tự nhiên hóa và đe dọa các loài bản địa. 

Cụ thể, khi quen với nơi sinh sống, rùa tai đỏ sẽ cạnh tranh thức ăn với các sinh vật bản địa khác bởi rùa tai đỏ là loài ăn hầu hết thức ăn có trong môi trường sống như cá, tôm, cua, ốc, ếch, nhái,... cùng những loài thực vật thủy sinh khác. 

Ở môi trường thuận lợi, rùa tai đỏ còn có tuổi thọ cao (đặc điểm chung của họ nhà rùa) khoảng từ 50 đến 70 năm tuổi. Với thời gian tồn tại dài như thế, việc chúng trở thành mối nguy hại lớn đối với môi trường, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và nhiều sông, suối, ao hồ, đầm lầy,... như nước ta là điều không thể tránh khỏi. 

Rùa tai đỏ luôn nằm trong top loài vật xâm hại nguy hiểm toàn cầu

Đáng lo ngại hơn, nhiều nghiên cứu còn cho thấy rằng loài sinh vật ngoại lai này có thể mang vi khuẩn Salmonella. Nếu ăn phải những sinh vật có nhiễm vi khuẩn này, chúng ta sẽ có nguy cơ bị ngộ độc với biểu hiện như thương hàn, tiêu chảy,... 

Chung quy lại, dù nuôi rùa tai đỏ với mục đích làm vật cảnh hay nuôi thương phẩm, chúng ta cũng cần phải luôn đề cao trách nhiệm và hết sức cẩn trọng với loài vật này. Nếu trong trường hợp không bắt buộc, người nuôi và người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn những sinh vật an toàn khác vì trên thực tế, rùa tai đỏ đã và đang là nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học lẫn và làm gia tăng số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu.  

Nguyệt Hoa