Sầm Sơn: Khó đóng tàu vươn khơi
Nuôi trồng, khai thác thủy sản là nghề truyền thống của TX. Sầm Sơn (Thanh Hóa), giá trị thu nhập chiếm tỉ trọng khá cao trong cơ cấu kinh tế (đứng sau ngành du lịch). Để phát huy thế mạnh này, Sầm Sơn đang xây dựng đề án về phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là vốn để ngư dân đóng tàu vươn khơi.
Vẫn khai thác nhỏ lẻ
Sầm Sơn có 10km bờ biển, có cửa Lạch Hới và nhiều cảng cá, âu thuyền tránh bão, người dân có truyền thống cần cù chịu khó, dám nghĩ, dám làm, hiểu ngư trường. Sức dân thì có thừa nhưng cái khó của bà con là phương tiện đánh bắt còn thô sơ, không thể vươn khơi xa.
Ông Lê Anh Quyết, Chủ tịch UBND phường Trung Sơn cho biết: “Hiện, phường có hơn 1.000 lao động làm nghề biển, nhưng chỉ có 176 phương tiện, công suất từ 18CV trở lên tham gia khai thác, nhưng chủ yếu gần bờ, sản lượng khai thác 3.000 – 3.500 tấn/năm. Do không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cải tiến, đóng mới tàu thuyền, mua sắm trang thiết bị nên sản lượng khai thác bị hạn chế”.
Ngư dân Nguyễn Văn Thắng ở phường Trung Sơn than thở: “Tàu bé, chỉ đánh gần bờ nên năng suất không cao. Chúng tôi rất muốn được vay vốn ưu đãi để đóng tàu lớn vươn khơi”.
Ông Lê Văn Hinh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sầm Sơn cho biết: “Năm 2012 sản lượng khai thác thủy sản của Sầm Sơn ước đạt 17.000 tấn, giá trị khai thác và nuôi trồng khoảng 347,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, so với thế mạnh của địa phương thì sản lượng nuôi trồng, đánh bắt trên còn quá nhỏ, do việc đánh bắt còn thiếu tính bền vững, sản xuất còn mang tính cá thể, phân tán và nhỏ lẻ. Việc liên doanh, liên kết giữa các hộ, các khâu sản xuất, doanh nghiệp và địa phương để tạo thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường còn hạn chế”.
Cần một đề án phát triển đúng hướng
Hiện, trên địa bàn TX.Sầm Sơn có nhiều hộ đóng tàu công suất lớn để vươn khơi, mô hình của ông Nguyễn Thừa Đa ở phường Quảng Tiến là một ví du. Gia đình ông hiện có 8 tàu công suất 450CV, mỗi năm khai thác được hơn 2.000 tấn hải sản, thu nhập trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 60 lao động, với thu nhập bình quân 45 - 50 triệu đồng/người/năm.
Để có thể đưa tàu thuyền lớn vươn khơi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, Sầm Sơn đã và đang có những định hướng phát triển mang tính bền vững. Để làm được điều đó, trong năm 2013, Sầm Sơn tiếp tục tổ chức sản xuất, ưu tiên phát triển các phương tiện khai thác xa bờ.
Được biết, Sầm Sơn sắp hoàn thiện việc xây dựng Đề án phát triển thuỷ sản giai đoạn 2013 - 2015, định hướng tới năm 2020, với nội dung phát triển kinh tế biển vững mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Phát triển ngành thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hoá, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư mới và cải hoán tàu thuyền, đẩy nhanh hoàn thành các dự án mở rộng cơ sở dịch vụ hậu cần. Phấn đấu sản lượng khai thác tăng trưởng 6%/năm, tới năm 2015, tổng sản lượng đạt 20.730 tấn.
Ông Trần Ngọc Ất, Phó chủ tịch UBND phường Quảng Tiến cho biết: “Phường đang đấu mối với các ngân hàng để hỗ trợ ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay một cách hiệu quả, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cấp máy móc bám biển vững vàng. Tuy nhiên, hiện nay ngân hàng vẫn thực hiện cho vay nhỏ giọt, trong khi vốn để đóng tàu công suất lớn lên đến hàng tỷ đồng, vì thế giải quyết được vấn đề vốn thì sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển”.
Ông Hoàng Văn Truyền, Phó chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn khẳng định: “Việc xây dựng đề án phát triển nghề cá rất quan trọng, không chỉ tăng thu nhập, tạo việc làm cho ngư dân mà còn góp phần bảo vệ biển đảo, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc”.