TIN THỦY SẢN

Sản lượng cá tra giảm nhưng không quá nghiêm trọng

Sản lượng cá tra tuy có sụt giảm nhưng không quá nghiêm trọng như một số thông tin đã nêu trước đó. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang cho cá tra ăn. Ảnh: TL TBKTSG Trung Chánh

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp thông tin với báo chí cho biết sản lượng cá tra nguyên liệu giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có một số nhà máy phải đóng cửa vì “đói” nguyên liệu. Thế nhưng, tình hình thiếu hụt nguyên liệu không quá nghiêm trọng như vậy, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius).

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế ĐBSCL quí 1-2016 và các hoạt động của VN Pangasius được tổ chức tại Thành phố Cần Thơ vào chiều 19-4, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ kiêm Tổng thư ký VN Pangasius, thừa nhận hồi đầu năm 2016 có doanh nghiệp thông tin cá nguyên liệu sụt giảm rất mạnh, thậm chí giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, “nhưng tôi xin khẳng định chưa bao giờ có chuyện đó”, ông nói.

Thực tế, báo cáo của VN Pangasius cho thấy tuy diện tích, sản lượng cá tra nguyên liệu trong những tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không đến mức nghiêm trọng như một số thông tin đã đăng tải trên báo chí trước đó.

Cụ thể, bà Võ Thị Thu Hương, Phó tổng thư ký VN Pangasius, dẫn số liệu thống kê chính thức của đơn vị này - dựa trên báo cáo chi tiết của các tỉnh ĐBSCL - cho thấy đến ngày 19-4-2016, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL đạt 801 héc ta, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt gần 252.220 tấn, giảm chỉ 11%, tương đương hơn 27.700 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Hương, diện tích nuôi giảm mạnh (20%) nhưng sản lượng giảm ít hơn (11%) là do năng suất thu hoạch trung bình trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh, đạt đến 316 tấn/héc ta so với 285 tấn/héc ta của cùng kỳ năm ngoái.

Ông Dũng của VN Pangasius cho biết thêm, trong lịch sử đã từng xảy ra chuyện doanh nghiệp tung tin như thế này, thế kia vì những mục đích khác nhau.

“Đã từng xảy ra trong lịch sử rồi, nói thiếu dữ lắm nhưng cuối cùng cũng không thiếu nhiều, (hoặc ngược lại) có lúc bảo rằng sản xuất dồn dập nhưng thật ra nó không như vậy”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiều khả năng sắp tới giá cá tra nguyên liệu sẽ có xu hướng tăng thêm, nhưng sẽ không nhiều và điều này còn phụ thuộc khá lớn vào diễn biến nhu cầu của thị trường nhập khẩu.

Về tình hình xuất khẩu, VN Pangasius dẫn số liệu báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết từ đầu năm đến giữa tháng 3-2016, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt gần 298 triệu đô la Mỹ, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 68 triệu đô la Mỹ, chiếm 23,1% tỷ trọng toàn ngành, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; sang EU đạt trên 51 triệu đô la Mỹ, chiếm 17,2% tỷ trọng toàn ngành, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt trên 34 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,4% tỷ trọng toàn ngành, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái, và khu vực ASEAN đạt trên 27 triệu đô la Mỹ, chiếm 9,2% tỷ trọng toàn ngành, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái…

ĐBSCL xuất siêu 1,5 tỉ đô la Mỹ

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa khu vực ĐBSCL trong ba tháng đầu năm 2016 đạt trên 2,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, trong ba tháng đầu năm 2016, khu vực ĐBSCL xuất siêu khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ.

Trung Chánh TBKTSG Online, 20/04/2016