Sản lượng thủy sản khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng
Một báo cáo mới đến từ Worldfish Project đã cho rằng sản lượng thủy sản của khu vực Đông Nam Á sẽ chiếm 24% sản lượng thủy sản thế giới vào năm 2030.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á, thủy sản là nguồn dinh dưỡng vô cùng quan trọng, cũng là ngành tạo ra việc làm, thu nhập, dẫn đến giảm đói nghèo. Chính vì thế, sản lượng thủy sản ở khu vực này đã tăng gấp 4 lần so với sản lượng thịt gia cầm và tăng gấp 20 lần so với sản lượng thịt gia súc, và đây cũng là nguồn thu ngoại tệ chính ở những nước đang phát triển.
Hơn nữa, ngành thủy sản được dự báo là sẽ đáp ứng hơn phân nửa nhu cầu tiêu thụ thủy sản của toàn khu vực. Theo Fish to 2050 in the ASEAN Region thì việc xúc tiến mở rộng nuôi trồng thủy sản bền vững cũng như thực thi nghiêm túc luật pháp về quản lý nghề cá đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự phát triển của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, Michael Philips - giám đốc khoa học nghề cá, WorldFish- cho rằng “cần phải thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và khu vực tư nhân. Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào các công nghệ phát triển thủy sản bền vững, nhằm đạt được hiệu quả cao hơn, giảm chi phí sản xuất, giảm nhẹ những rủi ro từ môi trường”. Việc hệ thống dữ liệu của các nước trong khu vực nâng cao, đã góp phần cho việc phát triển các chính sách dài hạn cho ngành thủy sản được tốt hơn.
Trong tương lai, thủy sản sẽ ngày càng trở thành nguồn cung cấp protein và vi lượng quan trọng, cũng như mang về ngoại tệ, tạo ra sự thịnh vượng cho toàn khu vực.
Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, khu vực này sẽ đối mặt với hàng loạt thách thức đặc biệt là biến đổi khí hậu - nguyên nhân chính gây ra sự biến đổi của hệ sinh thái thủy sinh vật dưới đại dương - cũng như nhu cầu về bột cá và dầu cá gia tăng sẽ đẩy giá thành thủy sản lên cao… Tất cả những thách thức này sẽ là động lực quan trọng để tạo ra những thay đổi về công nghệ và quản lý thủy sản trong tương lai.