TIN THỦY SẢN

Sản xuất bẩn sẽ không được thị trường chấp nhận

Thành Long

Theo báo, thông tin mới nhất từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có 25 DN Việt Nam đang có lô hàng thuỷ sản xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP) về dư lượng hoá chất, kháng sinh.

Nhật cảnh báo 25  doanh nghiệp thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm

Những doanh nghiệp có lô hàng xuất khẩu sang Nhật bản đang bị cảnh báo như: Công ty TNHH thủy sản Toàn Cầu; Công ty Cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Việt Cường; Công ty Cổ phần thực phẩm TSXK Cà Mau; Công ty Cổ phần Hải Việt –  Nhà máy HAVICO 1; Công ty Cổ phần XNK Đại Dương Xanh Toàn Cầu…

Các mặt hàng bị cảnh cáo chủ yếu là tôm thẻ chân trắng đông lạnh, tôm sú nuôi đông lạnh, cá bò tẩm gia vị… Chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng phần lớn là Enrofloxacin, Chloramphenicol, Furazolidone, Oxytetracycline.

Xuất khẩu tôm giảm mạnh

Xuất khẩu tôm năm nay đang giảm mạnh, Mỹ, EU và Nhật Bản là ba thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch, trong quí I/2015, xuất khẩu sang Mỹ đạt trên 116,3 triệu đô la Mỹ, giảm 55,8% so với cùng kỳ; sang EU đạt trên 108,5 triệu đô la Mỹ, giảm 3,1% và sang Nhật Bản đạt trên 103,7 triệu đô la Mỹ, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân không an toàn vệ sinh

Vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những nguyên nhân lớn nhất, hàng loạt thị trường đã có công văn thông báo về việc sản phẩm xuất khẩu vi phạm các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, chủ yếu là dư lượng thuốc kháng sinh quá mức cho phép; sản phẩm chứa vi khuẩn còn sống, có chứa vi khuẩn độc hại là thuộc về quy trình nuôi chưa đảm bảo an toàn ngay từ đầu.

Tôm xuất khẩu nhiễm chất cấm bị trả về hàng loạt

Tại buổi họp báo tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra đầu tháng 11/2015, đại diện lãnh đạo Nafiqad cũng đã nhận định, tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản hiện đang ở mức đáng báo động.

Trước đó, Hội nghị “Tác động của các FTAs đối với thương mại xuất nhập khẩu tôm của Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ ngày 6/5, ông Nguyễn Khánh Vinh, Phó giám đốc Nafiqad vùng 5, cho biết ba thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU đã cảnh báo và trả về 36 lô hàng chỉ trong bốn tháng đầu năm nay, bằng gần 40% so với con số 92 lô của cả năm 2014.

Bốn tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp trong nước bị thị trường EU trả về 4 lô; Nhật Bản trả về 7 lô. Riêng đối với thị trường Mỹ trả về đến 25 lô, bằng hơn 50% số lô bị trả về trong cả năm 2014.

Nguyên nhân số lô tôm bị cảnh báo, trả về nhiều là do việc kiểm soát lưu thông thuốc thú y; chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng chưa được thực hiện liên tục, chặt chẽ nên dẫn đến xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng chất cấm, tồn dư thuốc thú y vượt mức cho phép.

Hãy sản xuất đảm bảo uy tín, an toàn vệ sinh

Trên đây chỉ là vài ví dụ rất nhỏ cho thấy vì sao xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt nam ngày càng mất uy tín, ngày càng giảm. Chúng ta đã phải có biết bao nhiêu cố gắng mới đưa được sản phẩm đến với thế giới. Mà nông sản thực phẩm của Việt nam không phải là mặt hàng độc quyền, nhiều nước có các sản phẩm tương tự, vậy nên đã bán được hàng rồi thì cần phải cố gắng hơn nữa, hết sức thận trọng trong việc bảo đảm tiêu chuẩn, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm để giữ uy tín cho sản phẩm của Việt nam.

Thành Long Đại Kỷ Nguyên VN/Tin tức 360