Sản xuất kết hợp đa cây, đa con ở Bạc Liêu cho hiệu quả cao
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng được 28 mô hình sản xuất kết hợp đa cây, đa con rất hiệu quả. Điển hình là xã Vĩnh Phú Tây huyện Phước Long - điểm chỉ đạo của Trung ương về xây dựng nông thôn mới, sau vài năm thực hiện mô hình sản xuất kết hợp, đời sống nhân dân trong xã đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Theo ông Phạm Hoàng Vũ, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN- KN) huyện Phước Long, mô hình sản xuất kết hợp tôm - lúa, tôm - cua - lúa… cho hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân áp dụng. Cũng từ đó, diện tích canh tác lúa - tôm của huyện trong năm 2013 được nâng lên 8.155 ha, đạt 108,7% so với kế hoạch. Nhờ thay đổi cách làm ăn, mạnh dạn thực hiện mô hình sản xuất mới mà đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Nhiều hộ đã xây dựng nhà kiên cố, mua sắm máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất… Theo nhiều nông dân xã Vĩnh Phú Tây, mô hình sản xuất này không chỉ giúp họ vươn lên thoát nghèo, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Lê Trí Thức (ấp Bình Tốt, xã Vĩnh Phú Tây) áp dụng mô hình tôm - lúa từ nhiều năm nay năm chia sẻ, cứ 2 vụ tôm làm 1 vụ lúa. Hàng năm, trừ chi phí sản xuất, gia đình có lãi trên 100 triệu đồng/ vụ. Trong khi đó, ông Lê Trung Hậu, nông dân áp dụng mô hình tôm - cua - lúa, ngụ cùng ấp với ông Thức, cũng phấn khởi cho biết, từ khi áp dụng mô hình tôm - cua - lúa, đời sống người dân nơi đây không ngừng được nâng lên. Đây là mô hình sản xuất bền vững, giúp nông dân cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, nông dân cũng kiến nghị ngành nông nghiệp trong thời gian tới có kế hoạch điều tiết nước cho hợp lý để nông dân thuận lợi trong sản xuất. Đặc biệt, để nhân rộng mô hình này, ngành chức năng cần làm tốt công tác thủy lợi, tăng cường tập huấn, trang bị kiến thức khoa học - kỹ thuật cho nông dân.
Ở huyện Đông Hải, có trên 450 hộ nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm dưới tán rừng kết hợp cua, cá với diện tích hơn 2.648 ha cho thu nhập ổn định, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là mô hình được khuyến khích nhân rộng trong năm nay. Thống kê cho thấy, ở mô hình nuôi tôm - rừng, chỉ có 5% bị rủi ro, thua lỗ; còn lại 95% đều có lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/ ha/ năm..
Năm 2013, ngoài phát triển, nhân rộng hai mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững trên, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng những mô hình sản xuất mới nhằm chủ động ứng phó với thị trường khi con tôm gặp rủi ro. Tuy nhiên, theo đánh giá của nông dân, các mô hình nuôi trồng thủy sản trên tuy phát triển khá tốt, nhưng giá cả biến động thường xuyên nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Do vậy, để khuyến khích nông dân áp dụng, nhân rộng những mô hình này các ngành chức năng cần liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm./.