TIN THỦY SẢN

Sản xuất nông nghiệp thời 4.0

Ứng dụng công nghệ trong nuôi thuỷ sản là hướng đi bền vững, đáp ứng kỷ nguyên 4.0. (Trong ảnh: Mô hình nuôi tôm lót bạt tại xã Hoà Tân). Đặng Duẩn

Với lợi thế là một trong những vùng sản xuất thuỷ sản lớn khu vực ĐBSCL, Cà Mau đang phát triển mạnh nhiều mô hình sản xuất như: Tôm thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến, 1 vụ lúa - 1 vụ tôm... Tuy nhiên, ngoài mô hình tôm siêu thâm canh áp dụng những kỹ thuật, công nghệ hiện đại, còn lại đa phần sản xuất thủ công theo kiểu truyền thống.

Trong thời đại công nghệ số, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, trước mắt, ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung và các hoạt động sản xuất khác, nhất là những ngành hàng chủ lực của tỉnh cần nhanh chóng hiện đại hoá, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà cả xuất khẩu.

Áp dụng công nghệ trong sản xuất

Công nghiệp 4.0 thực sự diễn ra ở nhiều lĩnh vực, trong đó có các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Vừa qua, tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ tự động hoá để phát triển một số ngành hàng chủ lực của tỉnh Cà Mau” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, trường đại học đã giới thiệu nhiều công nghệ hiện đại, tự động hoá phục vụ hoạt động sản xuất của người dân, trong đó đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.

Tại hội thảo, Công ty TNHH Picom Việt Nam đã giới thiệu giải pháp cơ giới hoá vùng đất yếu, vùng sản xuất tôm - lúa luân canh ở tỉnh Cà Mau phù hợp với điều kiện đặc thù thổ nhưỡng của tỉnh.

Bà Nguyễn Hồng Phụng, Công ty TNHH Picom Việt Nam, cho biết: “Qua nghiên cứu, công ty đã tìm ra được loại máy cấy đi bộ, có thể hoạt động tốt trên vùng đất yếu, thời gian tới công ty sẽ nhập khẩu và cho tiến hành thử nghiệm tại huyện Thới Bình. Loại máy này có tính năng vượt trội như: Nhẹ, nhỏ gọn, vận hành đơn giản, điều chỉnh dễ dàng; Công suất cao, hiệu quả vượt trội; Dễ bảo dưỡng...”.

Trên thị trường, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ với những hệ thống giám sát môi trường nuôi tự động như Envisor của Tép Bạc, với hệ thống này các thông số chất lượng nước như pH, oxy, nhiệt độ,... được cập nhật liên tục và cảnh báo ngay khi có sự cố. Bên cạnh đó hệ thống cũng có đội ngũ chuyên gia thủy sản tư vấn cho nông dân xử lý kịp thời,

Phục vụ tốt cho nông dân

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã, đang và sẽ trở thành xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm tỷ lệ phụ thuộc vào thời tiết, giảm dịch bệnh, nâng cao sản lượng và phát triển bền vững. Tỉnh Bạc Liêu, nơi được Chính phủ xây dựng trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thuỷ sản.

Ông Long Văn Nghĩa, Tổ Công nghệ cao Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bạc Liêu đã xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, trong đó ưu điểm vượt trội nhất là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE áp dụng công nghệ biofloc tuần hoàn nước”.

Theo ông Long Văn Nghĩa, công nghệ trên có thể áp dụng rộng rãi do vốn đầu tư và quy trình kỹ thuật của mô hình ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện và khả năng đồng vốn của nông dân. Tuỳ theo điều kiện kinh tế, từng nông hộ có thể thiết kế hồ nuôi từ 200-500 m3. Đặc biệt, áp dụng quy trình sản xuất biofloc không sử dụng phân thuốc, hoá chất nên sản phẩm đầu ra không nhiễm hoá chất, thuốc kháng sinh, đảm bảo đạt chất lượng xuất khẩu, có sức cạnh tranh cao với sản phẩm của các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện tại, ngành thuỷ sản đang đối mặt với nhiều thách thức thực sự như tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường dẫn đến dịch bệnh. Một trong những giải pháp cần hướng đến để phát triển bền vững ngành thuỷ sản chính là ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác thuỷ - hải sản.

“Việc áp dụng công nghệ cao sẽ là hướng đi đột phá và tất yếu cho ngành thuỷ sản nói riêng, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, giúp mang lại giá trị kinh tế cao, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm chi phí, góp phần xây dựng hình ảnh nông dân thông minh, hiện đại, bắt kịp kỷ nguyên 4.0”, TS Trương Minh Thái nhận định.

Đặng Duẩn Báo Cà Mau