Sản xuất "bẩn" tại đồng bằng sông Cửu Long: Bơm tạp chất, "thổi" lớn tôm
Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, thương lái ở các địa phương đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã lén lút bơm, chích tạp chất vào tôm lúc bán hoặc chế biến. Tình trạng này đã xảy ra trong thời gian dài nhưng vẫn không được xử lý triệt để, khiến vựa tôm miền Tây gánh chịu thiệt hại không nhỏ.
Tôm sạch “ăn” đủ loại tạp chất
Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau -một trong những điểm “nóng” về vấn nạn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất ở ĐBSCL, từ đầu năm đến nay đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng trên và đã ra quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng. Số vụ đã phát hiện được đánh giá là rất ít so với thực tế bởi thủ đoạn thực hiện ngày càng tinh vi. Nó không chỉ xảy ra ở những tụ điểm nhỏ do thương lái tổ chức, mà còn ở cả các doanh nghiệp từng hô hào “nói không với tôm tạp chất”.
“Tình trạng bơm, chích vào tôm ở nhiều dạng (agar – rau câu, chế phẩm dạng bột CMC, rong biến nấu chín được xay nhuyễn, nước…) để tăng trọng. Vụ việc sẽ xảy ra ngày càng nhiều khi vào thời điểm nguồn nguyên liệu khan hiếm” - ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nói.
Ông Bằng cho biết thêm, để qua mặt lực lượng chức năng kiểm tra, những người tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm thường đưa vào các ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa, thậm chí là đưa lên phương tiện vận chuyển để thực hiện hành vi gian lận, đồng thời tổ chức canh gác gắt gao. Trước khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ sẽ giảm tỷ lệ bơm xuống, pha loãng nên rất khó phát hiện hoặc tìm cách phi tang. Cũng có trường hợp bắt quả tang nhưng những người tổ chức lại cho người khác đứng ra nhận hàng nên rất khó xác định được đối tượng chủ mưu để xử lý.
Cũng như Cà Mau, các địa phương như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang cũng thường xuyên phát hiện các tụ điểm bơm chích tạp chất vào tôm.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 2 trường hợp tôm sú có chứa tạp chất với tổng số lượng gần 1 tấn. Trước đó, trong năm 2015, tỉnh này phát hiện 8 trường hợp vi phạm.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, ở huyện Giá Rai và Đông Hải (Bạc Liêu), hiện có nhiều cơ sở và doanh nghiệp thường xuyên tuyển lao động để “hô biến” những con tôm sạch thành những con tôm to và nặng hơn (1kg tôm sau khi được bơm sẽ tăng lên từ 1,3 - 1,5kg). Lượng tôm được “ăn” tạp chất này sẽ được chuyển đi khỏi địa phương để tiêu thụ. Để việc bơm tạp chất được thuận lợi hơn, đặc biệt là nhanh hơn và để qua mặt cơ quan chức năng, một số cơ sở ở huyện Giá Rai còn rao bán, lắp đặt hệ thống máy bơm tạp chất.
Ông Trần Văn Hùng - người nuôi tôm trên 12 năm ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai cho biết: “Người dân, thương lái nhỏ không làm, chỉ có lái lớn, những doanh nghiệp tư nhân thu mua tôm mới tổ chức bơm, chích tập trung, như vậy sẽ khó bị phát hiện hơn. Con tôm khi có tạp chất thường sẽ thẳng đơ chứ không cong như bình thường, đuôi xòe”. Ông Hùng cũng thông tin, chiêu trò trên đã làm cho người dân nuôi tôm như ông gặp thêm khó khăn. Bởi khi các nhà máy, xí nghiệp thu mua đã tính trừ các khoản chi phí loại bỏ tạp chất trong chế biến trước khi đem đi xuất khẩu.
Phải xử phạt mạnh để răn đe
Tang vật một vụ bơm chích tạp chất vào tôm. Ảnh: I.T
Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã cố gắng nhưng cũng không thể nào khắc phục triệt để được tình trạng bơm tạp chất vào tôm.
“Chúng tôi đã có hẳn đề án chống bơm tạp chất vào tôm nhưng trong thời buổi gian lận thương mại này, chúng tôi không thể khắc phục triệt để được. Hiện tỉnh cũng đang triển khai tháng cao điểm thanh, kiểm tra, giám sát về chất lượng thủy sản, trong đó có chất cấm và tạp chất trong tôm” – ông Lân thông tin.
Theo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, thời gian qua, công tác kiểm tra, quản lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm vô cùng khó khăn. Bởi vùng nuôi tôm rộng lớn, lực lượng thương lái thu gom lên đến cả ngàn người ở mỗi địa phương trong khi đó lực lượng quản lý rất mỏng, dẫn đến việc kiểm soát địa bàn không chặt. Mặt khác, do hành vi bơm, chích tạp chất vào tôm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy hành vi này phải được nghiêm cấm, răn đe bằng chế tài mạnh.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng: “Tình trạng bơm tạp chất ngày càng xảy ra nghiêm trọng và những người thực hiện thì chỉ vì lợi nhuận mà quên đi lợi ích chung. Luật pháp nên có biện pháp xử lý mạnh hơn, cho cả người mua bán tạp chất, người tổ chức bơm chích và người thu mua tôm có tạp chất”.
Ông Bằng nhận định: “Trước đây, quy định của pháp luật trong xử lý việc bơm, chích tạp chất rất nhẹ. Đến nay, mức phạt đã tăng lên nhưng vẫn chưa đủ. Theo tôi là phải xử lý hình sự, phạt tù thì mới có tính răn đe cao”.
Ngoài việc kiểm tra, xử lý hình sự, ông Bằng cho rằng, phải tập trung tuyên truyền, giáo dục, buộc các đối tượng có liên quan phải cam kết không tái phạm. Đồng thời, để giám sát chặt vấn nạn này, cần phải phối hợp đồng bộ các ngành chức năng trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để tránh các đối tượng vi phạm chuyển địa điểm bơm chích, tuồn hàng…
Theo Hội Chế biến thuỷ sản và Xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP), thời gian qua, có những lô hàng bị phát hiện trả về do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, nếu Chính phủ và các bộ, ngành mà không quyết liệt vấn đề này thì con tôm sẽ “chết”, doanh nghiệp “chết trước” rồi đến người dân.
Ông Ngô Thành Lĩnh - Tổng Thư ký CASEP cho rằng: Đây không còn là chuyện của một doanh nghiệp hay một cá nhân nào, để phòng chống có hiệu quả vấn nạn này, cần có sự phối hợp từ ngành chức năng với doanh nghiệp từ địa phương này với địa phương khác và trên cả nước. Đồng thời, phải có những chế tài xử lý mạnh các vụ đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.
“Nếu chính quyền cơ sở mà không ủng hộ, vào cuộc để phòng, chống nạn bơm tạp chất thì làm 20 năm nữa vẫn như vậy. Bởi vấn đề từ gốc chính là ở địa phương, làm sao mà cán bộ địa phương không nắm được các điểm bơm chích tạp chất? Ai cũng biết nhưng họ làm… lơ” - ông Lĩnh lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng):
Nhà nông lãnh đủ
Nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu không xảy ra ở hộ nông dân mà là do thương lái hoặc doanh nghiệp làm. Điều này trước mắt sẽ đem lại lợi nhuận rất cao cho thương lái, doanh nghiệp, nhưng về lâu dài, chính người nông dân phải chịu thiệt thòi. Nếu tôm xuất khẩu bị trả về thì cả ngành tôm bị ảnh hưởng, giá tôm nguyên liệu bị giảm, nông dân sẽ bị thiệt thòi nhất.
Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau:
Giám sát thương lái Trung Quốc
Nhiều năm qua, tôm xuất khẩu của các công ty ở tỉnh Cà Mau nói riêng và cả ĐBSCL nói chung thường bị một số nước trả về, ngoài nguyên nhân do nhiễm kháng sinh thì vẫn có trường hợp bị nhiễm vi sinh do bơm, chích tạp chất. Thị trường có thể nhập tôm bơm, chích tạp chất mà không trả về là Trung Quốc, có thể họ mua về để xử lý lại, xuất bán cho những thị trường khác. Điều này đã gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành chức năng.
Để quản lý việc mua bán tôm tốt hơn và hạn chế tình trạng bơm chích tạp chất, chúng tôi đang chỉ đạo tăng cường kiểm tra các đối tượng là người Trung Quốc sang mua tôm.Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng):
Làm “xấu” hình ảnh tôm Việt Nam
Phải có “cầu” thì mới có “cung”, tức là vẫn có công ty, đơn vị thu mua thì mới có người bơm, chích tạp chất vào tôm. Theo tìm hiểu, nếu không tiêu thụ trong nước thì phần lớn số lượng tôm này sẽ được tuồn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thời gian qua, vẫn có số thương lái “xúi giục” dân mình làm để làm xấu đi con tôm Việt Nam.
Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt các địa phương phải vào cuộc, đề nghị cơ sở cam kết, nơi nào để xảy ra tình trạng này nữa thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm, bị xử lý. Đồng thời, cần thiết thành lập một đường dây nóng để người dân thông báo khi phát hiện điểm bơm chích tạp chất”. Ông Ngô Thành Lĩnh