TIN THỦY SẢN

Say theo giá, coi chừng phải trả giá

Nuôi cá phải dựa trên quy luật cung cầu chứ không nên chạy theo giá. Ảnh: Internet Trung Chánh

Nhiều người trong ngành cho rằng, thay vì gia tăng sản lượng để tranh thủ bán được giá cao trong bối cảnh nguyên liệu đang sốt thì nên có sự tính toán trên cơ sở dự báo cung cầu của thị trường. Bài học chạy đua gia tăng sản lượng để rồi ngay sau đó rơi vào khó khăn đã không còn là chuyện mới trong ngành cá.

Cá tra trong cơn sốt giá

Từ cuối năm 2017 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự chuyển biến tích cực. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu được giao dịch trên thị trường lên đến 29.000-31.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, vượt qua cả mức giá kỷ lục 28.000-29.000 đồng/kg vào thời điểm những năm 2009-2010. Mức giá như hiện nay, mỗi ký cá nguyên liệu sản xuất ra, nông dân lãi không dưới 6.000 đồng/kg.

Trước cơn sốt giá nguyên liệu cá tra, hàng loạt ao nuôi tại tiểu vùng Đồng Tháp Mười, nơi mà trước nay chỉ độc canh cây lúa, liên tục được người dân thuê máy đào “xóa” ruộng lúa lên ao nuôi cá (bao gồm cả ương nuôi cá giống), trong đó một số trang trại quy mô lớn cũng đã được đầu tư.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Mai Văn On, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết tại địa phương đang rộ lên phong trào đào ao nuôi cá tra. “Trước đây, địa phương chúng tôi không nuôi cá tra, nhưng trong khoảng một năm trở lại đây diện tích đã tăng lên 60 ha vào thời điểm cách nay vài tháng”, ông cho biết và nói rằng diện tích hiện nay chắc chắn đã vượt qua con số đó.

Theo ông On, việc đào ao nuôi cá của người dân nơi đây hoàn toàn tự phát nhằm chạy đưa theo lợi nhuận rất cao từ con cá tra mang lại. “Với ao nuôi có diện tích khoảng 1.000 mét vuông mặt nước có thể đem lại cho nông dân khoản lợi nhuận đến 200 triệu đồng nên kích thích họ dữ lắm”, ông On nói.

Nguyên nhân giá cá tra lại sốt đến như vậy?

Tại hội nghị “Triển khia nhiệm vụ phát triển ngành cá tra năm 2018” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ mới đây, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam (VINAPA) cho rằng, giá cá biến động phụ thuộc vào hai yếu tố chính là tình hình xuất khẩu và sản lượng nuôi, hay nói cách khác giá biến động phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.

Bà Tô Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP),  dẫn chứng trong tháng 1-2018, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tăng trở lại 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc- Hồng Kông đạt trên 41 triệu đô la Mỹ, tăng 132% so với cùng kỳ. Điều này, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong tháng 1-2018 đạt 172,5 triệu đô la Mỹ, tăng 43,7% so với cung kỳ năm ngoái.

Theo bà Lan, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nguồn nguyên liệu lại khan hiếm đã đẩy giá cá nguyên liệu tăng cao, nhất là khi có đến 44% thị phần khẩu sang Trung Quốc-Hồng Kông trong khoảng thời gian này đi bằng đường tiểu ngạch, tức mức độ cạnh tranh nguồn nguyên liệu với xuất khẩu chính ngạch gay gắt hơn.

Trước tình trạng trên, bà Lan đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên xem xét áp dụng ngay việc cấp và kiểm soát C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) cho từng lô hàng trong thời gian ba tháng như là biện pháp khẩn cấp cho đến khi nguyên liệu dồi dào trở lại.

Bài học còn đó

Có thể thấy, cơn sốt giá cá tra nguyên liệu xuất phát từ nhu cầu thị trường chuyển biến tích cực (kể cả tiểu ngạch) và nguồn nguyên liệu đang rơi vào giai đoạn khan hiếm. Tuy nhiên, khi ngành cá tra ồ ạt chạy đua gia tăng sản lượng với hy vọng bán được giá cao, trong khi hoàn toàn không có một báo cáo đánh giá hay dự báo nhu cầu thị trường trong 6-12 tháng tới sẽ như thế nào, thì sẽ rất nguy hiểm, vì triển vọng thị trường là một ẩn số.

Ông Võ Đông Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cảnh báo việc gia tăng sản lượng cá tra không nên nhìn từ góc độ giá bán ở thời điểm hiện tại, mà nên căn cứ vào nhu cầu thị trường, phải có dự báo nhu cầu thị trường tương lai để đề ra kế hoạch sản xuất tương thích ở thời điểm hiện tại nhằm phục vụ triển vọng nhu cầu đó.

“Hiện nay, chúng ta cũng thấy rằng dù giá sản phẩm nguyên liệu rất cao, nhưng có một bài toán khó là tình hình thị trường vẫn tiềm ẩn khó khăn, chứ không phải thuận lợi”, ông cho biết và nói rằng việc chạy đua gia tăng sản lượng rất có thể sẽ phải trả giá như đã từng xảy ra.

Trong quá khứ từng xảy ra điều tương tự, tức khi giá cá nguyên liệu tăng cao thì ồ ạt gia tăng sản lượng, nhưng liền sau đó giá giảm xuống mức đáy, tiêu thụ khó khăn vì cung vượt cầu. Còn hiện nay, khi bảo hộ thương mại ở những thị trường nhập khẩu chính của loại thủy sản này có xu hướng gia tăng, thì việc dự báo, tiên lượng trước những khó khăn có thể xảy ra cần đặc biệt quan tâm hơn, chứ không phải bất chấp chạy đua theo sản lượng như vậy.

Ông Đức của Caseamex cho biết, trước khi công bố kết quả cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá cá tra, không ai nghĩ Mỹ sẽ áp mức thuế cao lên đến 7,74 đô la Mỹ/kg, nhưng thực tế vẫn diễn ra.

Trong khi đó, với thị trường Trung Quốc, dù đã vượt lên là thị trường dẫn đầu xuất khẩu cá tra Việt Nam và tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng vẫn phải dè chừng, phải tính đến hiệu quả, không nên chạy theo sản lượng một cách mù quáng. “Trong nhiều năm qua, sản lượng cứ mãi tăng, nhưng hiệu quả từ người nuôi, nhà máy sản xuất chế biến chúng ta thấy rất thấp, thậm chí đã có sự ra đi của hàng loạt các nhà máy không có hiệu quả trong sản xuất kinh doanh”, ông Đức cho biết và khẳng định đó là bài học đau lòng.

Trung Chánh SGTT