TIN THỦY SẢN

Scotland - miền đất của truyền thuyết quái vật

Hồ Morar là vùng nước sâu nhất ở British Isles.

Scotland thường gắn với câu chuyện về quái vật ở các vùng hồ như Ness, Lochy, Arkaig. Một số quái vật được mô tả giống rồng hay người cá; số khác giống như sinh vật có thật, nhưng chưa được xác định.

Morag là một sinh vật bí ẩn được cho là sống dưới đáy hồ Morar - nằm cách hồ Loch Ness chừng 100 km, ở Lochaber thuộc vùng cao nguyên xứ Scotland. Alexander Carmichael là người tích cực thu thập những câu chuyện về Morag từ dân địa phương sống gần hồ. Các văn bản mà Carmichael có công thu thập suốt hơn 50 năm được tiết lộ trong dự án mang tên là Carmichael Watson của Thư viện Đại học Edingburgh.

Một mặt, Morag được mô tả giống như người cá, hay "nàng tiên cá" có mái tóc dài quyến rũ; mặt khác nó được coi là sinh vật sứ giả của thần chết, và là điềm báo tử cho những ai trông thấy nó.

Carmichael cũng ghi nhận: "Morag là sinh vật đặc biệt ở hồ Morar. Nhiều người nhìn thấy Morag giữa ban ngày ban mặt. Nó nổi lên mặt hồ và di chuyển giống như chiếc tàu trĩu nước. Chẳng ai ưa Morag và gọi nó bằng những cái tên xấu".

Trong một văn bản khác: "Morag giống như nữ thần sông nước, với thân hình nửa người nửa cá. Phần thân dưới giống như cá hồi, còn phần trên giống phụ nữ có bộ ngực đầy đặn và mái tóc vàng buông xõa". Carmichael không tuyên bố nhìn thấy Morag và nguồn thông tin chính, ông thu thập từ một người địa phương tên là Ewan MacDougall.

Văn bản đầu tiên của Carmichael được phát hiện bởi tiến sĩ Donald Stewart, nhà nghiên cứu trong dự án Carmichael Watson. Morag còn được mô tả giống như có bướu trên lưng. Sinh vật này có lẽ được nhìn thấy lần đầu tiên vào năm 1887 và vào năm 1948, có 9 người đi trên chiếc xuồng tuyên bố bắt gặp một quái vật dài khoảng 6 mét ở hồ Morar.

Tháng 8/1969, hai người tên là Duncan McDonnell và Bill Simpson cho biết, khi ra hồ Morar câu cá, họ bất chợt nhìn thấy một con quái vật được mô tả dài 7-8m, nó có da dày màu nâu sậm với ba cái bướu màu đen trên lưng và đầu giống rắn. Con quái vật này đã đâm vào xuồng máy của họ, sau đó nó biến mất thật nhanh, vì bị một người đánh bằng mái chèo và người kia nổ súng. Hồ Morar là vùng nước ngọt sâu nhất, với độ sâu tối đa 310m, thuộc quần đảo British Isles miền Bắc Đại Tây Dương.

Ở phía nam hồ Ness là hồ Oich (Loch Oich) nhỏ hơn, nơi xuất hiện quái vật giống con rắn đầu chó có bờm giống như ngựa, hai bướu, da đen và cổ giống như rắn. Quái vật hồ Oich có lẽ được nhìn thấy vào thế kỷ XIX. Năm 1961, có chuyện một số kẻ chơi khăm thả một sinh vật nhân tạo xuống hồ Oich rồi chụp hình để kiếm tiền từ sự tò mò của du khách. Chính việc này khiến nhiều người hoài nghi về sự tồn tại của quái vật.

Một số nhà nghiên cứu kết hợp quái vật hồ Oich với những truyền thuyết về loài gọi là “ngựa biển” từng được báo cáo sống ở quần đảo British Isles trong nhiều thế kỷ. Một số người khác cho rằng, loài lươn nước ngọt khổng lồ được người địa phương phóng đại thành quái vật hồ Oich.

Vì không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào về sinh vật này, nên nhiều người cứ thế thêu dệt, lúc thì nó được mô tả trông tựa như loài thằn lằn cổ dài (plesiosaur), có khi nó được mô tả giống như loài ngựa biển hay rắn đầu ngựa. Còn ở hồ Lomond cũng có quái vật giống một loài cá sấu khổng lồ.

Huyễn tưởng

Trong văn hóa dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới, các quái vật vùng hồ có lịch sử rất dài, với nhiều vùng nước được cho là nơi cư trú của những sinh vật siêu nhiên kỳ lạ tồn tại nhờ... sức tưởng tượng hết sức phong phú của con người. Điển hình là loài ngựa biển khủng khiếp - sinh vật nguy hiểm nhất được cho là sống ở vùng cao nguyên Scotland.

Theo truyền thuyết, sinh vật kỳ quái này có khả năng thay hình đổi dạng mà thường là có dạng con ngựa. Nó lôi con người xuống đáy hồ để ăn thịt và chỉ chừa lá gan lại. Còn ở xứ Wales, những sinh vật dưới nước thường có hình dạng giống như con rồng, thường xuyên lui tới những vùng sông hay hồ. Tương truyền, có một con như thế dưới vực sâu sông Conway ở miền Bắc xứ Wales. Ví dụ khác là con Nwyvre (rồng nước) ở Llyn Cynwch bị một người chăn cừu địa phương giết chết.

Về mặt lý thuyết, những sinh vật to lớn kỳ quái trong các truyền thuyết dân gian khó sống được dưới đáy hồ bởi vì chúng không có nguồn thức ăn đủ để tồn tại. Các lý thuyết khác cho rằng, rất có thể người dân nhầm lẫn quái vật với loài cá hay động vật hữu nhũ - như cá trê khổng lồ chẳng hạn, hay là con lươn (cá chình) và cá tầm khổng lồ.
 

Loài cá sấu khổng lồ được người ta nhìn thấy ở hồ Lomond. Ảnh: travel.aol.co.uk.

Lý thuyết này được công nhận khi vào năm 1987 người ta phát hiện một con cá tầm dài hơn 1m và nặng gần 50kg ở hồ Washington, Mỹ. Ngoài ra, những sinh vật tưởng rằng đã tuyệt chủng cùng với các loài khủng long có thể còn sống sót, như loài cá vây tay được phát hiện thời gian gần đây trong những vùng nước ở châu Phi.

Các lý thuyết khác về quái vật vùng hồ cho rằng người địa phương có thể nhìn thấy những hình bóng mơ hồ mà tưởng tượng ra con vật. Về mặt này, có thể các điều kiện địa vật lý đã tác động đến tâm trí con người, ví dụ như ở những nơi có vết phay (những đường đứt gãy trên bề mặt trái đất).

Như là hồ Ness nằm trên phay Great Glen và phay này kéo dài qua các vùng hồ khác ở Scotland như Lochy, Linnhe và Oich - tất cả những nơi này đều có truyền thuyết về các quái vật tương tự nhau. Những vùng hồ chứa đựng nhiều bí ẩn ở Scotland thật sự thu hút trí tò mò của du khách.

Richard Freeman, nhà khoa học thuộc Trung tâm Động vật học Fortean ở Devonshire, đã hai lần viếng thăm hai hồ Ness và Morar sau khi nghe tin về sự phát hiện quái vật. Ông cho rằng, ý tưởng về loài bò sát thời tiền sử còn sống sót trong các vùng hồ là hết sức phi lý, và có thể người địa phương nhầm lẫn với loài cá hay lươn to lớn.

Theo Freeman, có hai du khách Canada nhìn thấy một con lươn dài đến 7,6 m nổi lên ở hồ Ness vào tháng 2/2004. Ban đầu họ nghĩ con vật đã chết, nhưng khi đến gần, nó biến đi thật nhanh.

Theo An ninh Thế giới