Sơ kết một năm thực hiện Nghị định 36: Bức xúc với cá tra "nhiều nước"
Các ý kiến đều bức xúc với tình trạng cá tra “nhiều nước”, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ. Hội nghị vừa được Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức ở Cần Thơ.
Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, trong đó quy định sản phẩm cá tra xuất khẩu tối đa hàm ẩm 83%, tỷ lệ mạ băng 10%, thực hiện từ ngày 1/1/2015.
Tuy nhiên, những ngày cuối năm 2014, một số doanh nghiệp kiến nghị nên Chính phủ đã cho lùi lại một năm, thực hiện từ ngày 1/1/2016. Tại hội nghị sơ kết, các ý kiến đánh giá sự “lùi bước” ấy làm ngành cá tra vẫn chìm trong khủng hoảng.
Giá trị giảm nhiều mặt
Báo cáo từ các địa phương ĐBSCL, đến ngày 30/4/2015, so với cùng kỳ năm 2014, diện tích cá tra thu hoạch tăng hơn 15,5%, sản lượng tăng gần 19,7%. Cụ thể, đã thu hoạch 1.091 ha, sản lượng 313.297 tấn.
Trong lúc, xuất khẩu sản phẩm cá tra lại giảm khá mạnh. Về khối lượng xuất khẩu, theo số liệu đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra VN, trong hơn 4 tháng đầu năm 2015 chỉ bằng gần 70,5% của hơn 3 tháng cuối năm 2014.
Về giá trị, số liệu thống kê của hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm 2015, là 356.851.000 USD. Bình quân mỗi tháng xuất khẩu gần 119 triệu USD.
Nửa đầu tháng 4, xuất khẩu thêm gần 61,7 triệu USD. So với cùng kỳ giảm khoảng 13%. Hai thị trường chính là Mỹ và EU đều giảm. Giá xuất khẩu vào Mỹ giảm khoảng 2.300 đồng/kg so với cùng kỳ.
Giá cá nguyên liệu, so với cùng kỳ, hai tháng đầu năm 2015 có tăng nhưng từ cuối tháng 2 đến nay lại giảm, 500-3.200 đồng/kg. Giá giảm trong lúc dịch bệnh và hệ số thức ăn đều tăng. Thông tin của Cục Thú y, trong gần 5 tháng đầu năm, thống kê ở 4 địa phương đã phát hiện 41,4% diện tích nuôi cá tra nhiễm các loại bệnh. Còn hệ số thức ăn tăng lên 1,55 – 1,75. Từ đó, lợi nhuận nuôi cá tra càng giảm, người nuôi cá vẫn rất khó khăn.
Giải thích việc sản lượng thu hoạch tăng mà xuất khẩu giảm, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Võ Hùng Dũng cho rằng, tồn kho của các doanh nghiệp đang tăng.
Ông Dũng đánh giá, việc lùi áp dụng tiêu chuẩn hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36 đã “không có tín hiệu tốt với thị trường”.
Theo ông, cá tra vẫn có thị trường nhưng do chất lượng kém cải thiện, chưa khẳng định được với người tiêu dùng nên gây tâm lý nghi ngại.
Ông phân tích “khuyết tật của thị trường” là khi không khẳng định được chất lượng, để giá giảm thì sẽ ngày càng giảm và rất khó kéo lên.
“Người tiêu dùng Mỹ và EU lo ngại cá tra nhiều nước quá” là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thanh Bình, đại diện tại Việt Nam của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA). Đây là tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở ở Mỹ, hoạt động hỗ trợ nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản. Bà kể, nhiều khách hàng nói rõ, miếng cá tra nấu chín trước đây co lại ít còn hiện nay co lại nhiều.
Cần minh bạch và hỗ trợ
Bà Bình còn cho biết, người tiêu dùng ở nước ngoài đang cho rằng thông tin về cá tra “kém minh bạch”. Ngay cả GAA, theo bà Bình, mới đồng ý hỗ trợ dự án nâng cao chất lượng nuôi tôm của nước ta mà chưa đồng ý hỗ trợ nuôi cá tra cũng vì chưa tin cậy thông tin về cá tra được công bố.
Tại hội nghị, có thời điểm tranh luận về tình trạng cá tra “nhiều nước” (và cả dư lượng kháng sinh), nguyên nhân do đâu? Đại diện một số doanh nghiệp từng cho rằng, do người nuôi. Nhưng ý kiến tại hội nghị thiên về nhận định, do doanh nghiệp chế biến.
Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Hồ Văn Vàng phân tích, hiện nay các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã nuôi khoảng 75% tổng sản lượng, còn 25% do các nông hộ.
Ông nói: “Nông dân bán cho doanh nghiệp bị kiểm soát rất gắt gao, chất lượng kém không bán được. Nên chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu kém, bị khách hàng chê chỉ là do doanh nghiệp chế biến”.
Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, ông Lê Chí Bình, nói thêm, nếu cá chất lượng kém mà bán được cho nhà máy chế biến cũng do cán bộ của nhà máy tiêu cực. Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Đặng Ngọc Giao, kêu lên: “Nếu chúng ta cứ đấu đá, lý giải mãi thì coi chừng mất hết thị trường”.
Các đại biểu thống nhất cần phải minh bạch chất lượng sản phẩm. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp Lê Hoàng Vũ cho rằng, trước đây đưa ra thời điểm thực hiện tiêu chuẩn hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng theo Nghị định 36 có tính áp đặt nên doanh nghiệp phản ứng. Ông nói: “Bây giờ cần tiếp cận vấn đề theo hướng minh bạch sản phẩm và hỗ trợ nâng cao chất lượng”.
Đó là, ghi rõ chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu trên nhãn hàng hóa. PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, ông Đoàn Ngọc Phả, nói phải ghi rõ để minh bạch với khách hàng, còn doanh nghiệp bán được ở đâu thì tùy.
“Vừa rồi chúng ta khoe cá tra bán được khắp thế giới nhưng những thị trường chính yêu cầu chất lượng cao lại giảm thì rõ ràng cá tra ngày càng dạt về phía hàng chợ, không phải hàng vào siêu thị. Nên yêu cầu ghi rõ chất lượng và với sản phẩm chất lượng cao theo Nghị định 36 thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ”, ông Phả kiến nghị.
Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Võ Hùng Dũng tán đồng quan điểm minh bạch chất lượng và cho biết, thị trường EU đã yêu cầu trên nhãn hàng hóa và cả trên chứng thư kèm lô hàng cá tra phải ghi rõ khối lượng sản phẩm không bao gồm lượng nước mạ băng.
Đại diện Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Anh Khoa, nói lãnh đạo Tổng cục đang chủ trương hướng đó, minh bạch chất lượng sản phẩm và hỗ trợ sản phẩm chất lượng cao để xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia.