TIN THỦY SẢN

So sánh các nguồn đạm động vật thay thế bột cá trên tăng trưởng cá Trê

Các nguồn đạm động vật tiềm năng cho thay thế bột cá. HUỲNH NHƯ Lược dịch

Bổ sung nguồn đạm từ trùng quế (Eisenia fetida) và ấu trùng ruồi lính đen (musca domestica) với tỉ lệ nhất định có khả năng thay thế bột cá trong khẩu phần thức ăn của cá trê (Clarias gariepinus).

Giới thiệu

Trong nuôi trồng thủy sản, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng, chi phí cho thức ăn chiếm hơn 50% chi phí cho vụ nuôi. Để đáp ứng cho tiêu thụ, yêu cầu đặt ra phải tăng sản lượng cá nuôi cùng với tiết kiệm chi phí cho vụ nuôi. Vấn đề hiện nay là nguồn bột cá sử dụng làm thức ăn thủy sản ngày càng trở nên khan hiếm và giá bột cá ngày càng tăng; qua đó, chi phí cho thức ăn trong NTTS ngày càng cao. Vấn đề hiện nay trong phát triển NTTS cần tìm nguồn đạm có khả năng thay thế bột cá, nhằm giảm chi phí thức ăn mang lại lợi nhuận cho người nuôi.

Một số nghiên cứu thay thế bột cá bằng các nguồn protein thực vật khác như: đậu nành và bột hạt gòn trong thức ăn cá trê, cá tra, và cá chình (Cyprinus carpio). Nghiên cứu sử dụng protein từ động vật thay thế bột cá như: giun đất (Heterobranchus longifilis), mối, ốc, nòng nọc, ...Các kết quả cho thấy nếu thay thế hoàn toàn bột cá bằng các nguồn đạm khác làm giảm lượng thức ăn ăn vào, hiệu quả sử dụng thức ăn và tăng trưởng của cá bị giảm. Nguyên nhân có thể được cho là do thay đổi chế độ ăn cũng như tập tính ăn, thiếu các acid amin cần thiết, hay do vật nuôi thiếu các enzyme cần thiết để tiêu hóa nguồn đạm.

Giun đất (Eisenia fetida) và ấu trùng ruồi (Musca domestica) là nguồn protein động vật có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa và chứa hàm lượng cao các acid amin thiết yếu. Đây là các nguồn protein động vật có giá thành thấp và dễ sản xuất (sản xuất từ phân động vật hoặc chất thải nông sản). Vì vậy, sử dụng nguồn đạm từ trùng quế và ấu trùng ruồi sẽ góp phần giảm chi phí thức ăn. 

Cá trê châu Phi (Clarias gariepinus) là một loài ăn tạp có xu hướng ăn thịt, được đánh giá cao với tiềm năng kinh tế và tăng trưởng nhanh. Nguồn protein dùng thay thế bột cá phải bao gồm:10 axit amin thiết yếu (EAA) cần thiết cho cá. Để đáp ứng các nhu cầu axit amin thiết yếu cho cá trê giống C. gariepinus, thí nghiệm thay thế bột cá dựa trên hỗn hợp giun đất và ấu trùng ruồi đã được thử nghiệm để xác định ảnh hưỡng đến tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, và giá trị kinh tế.

Phương pháp nghiên cứu

Thí nghiệm bao gồm 5 nghiệm thức với 3 lần lặp lại được trình bày trong Bảng. Thức ăn thí nghiệm phải đáp ứng hàm lượng đạm khoảng 40% và năng lượng tương đương 17,9±0,3KJ/g, cùng với hàm lượng các acid amin trong thức ăn thí nghiệm là tương đương.

Cá trê giống với trọng lượng ban đầu trung bình là 3g, cá được bố trí trong bể polyethylene 500 lít với mật độ 15 cá/bể. Các chỉ tiêu chất lượng nước được theo dõi trong suốt quá trình thí nghiệm bao gồm: nhiệt độ (27,6-28,5oC); DO (3,93±4,48 mg/L); và pH (4,72-5,02). Thí nghiệm được tiến hành trong 6 tuần.

Nghiệm thức (*)

Bột cá (FM, g/kg)

Bột trùng quế (EWM, g/kg)

Bột ấu trùng ruồi (MaM, g/kg)

D1 (0)

400

0

0

D2 (2:5)

0

120

305

D3 (1:4)

0

80

343

D4 (1:12)

0

32

390

D5 (0:1)

0

0

421

(*): tỉ lệ EWM:MaM

Kết quả nghiên cứu

Các chỉ tiêu tăng trưởng và tỷ lệ sống: Sau 6 tuần thí nghiệm; tỷ lệ sống (SR) ở các nghiệm thức dao động từ 91,66% đến 97,67% và giá trị sản xuất protein (PPV) dao động từ 0,32-0.39 khác biệt không có ý nghĩa giữa các nghiệm thức (P>0.05).

Trọng lượng cuối (FBW), hiệu quả sử dụng protein (PER), tăng trọng theo % (PWG), và tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) của cá ở nghiệm thức D1 là thấp hơn so với các nghiệm thức D2, D3, D4 và D5 (P<0.05).

Trong khi đó, hệ số tiêu tốn thức ăn (FCR), hiệu quả kinh tế (ECR) ở nghiệm thức D1 là cao hơn so với các nghiệm thức bổ sung bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi (P<0.05). ECR thấp nhất ở nghiệm thức D5, tuy nhiên khác biệt không có ý nghĩa so với các nghiệm thức có bổ sung bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi (P>0,05).

Thành phần hóa học của cơ thể cá: Các thành phần hóa học cơ bản của cá sau thí nghiệm được phân tích bao gồm: protein thô, tổng lipid và hàm lượng tro. Kết quả cho thấy, hàm lượng tro không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức (P>0.05). Hàm lượng protein thô cao nhất ở nghiệm thức D2, khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng D1; tổng lipid cao nhất ở nghiệm thức D2 và D4, khác biệt có ý nghĩa so với nghiệm thức D1 và D5 (P<0.05).

Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi có thể dùng làm thức ăn cho cá trê giống, có khả năng thay thế hoàn toàn bột cá trong công thức thức ăn cùng với sự bổ sung của lysine hoặc arginine. So với việc dùng bột cá, thức ăn từ bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi mang lại hiệu quả kinh tế hơn chiếm khoảng 70-75% khi so sánh với thức ăn sử dụng bột cá.

Giá thành bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi tương đương khoảng 61-76% giá bột cá. Kết quả thí nghiệm cho thấy trong công thức thức ăn của cá trê giống có thể dùng bột trùng quế và bột ấu trùng ruồi với tỉ lệ 2:5 nhằm thay thế hoàn toàn bột cá, với công thức này cá tăng trưởng tốt, mang lại giá trị kinh tế, đồng thời đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng trong thịt cá.

Theo Int Aquat Res

HUỲNH NHƯ Lược dịch