So sánh phương pháp cho tôm ăn bằng tay và bằng kỹ thuật
Ở nhiều quốc gia, phương pháp nuôi tôm truyền thống là việc sử dụng tay rải thức ăn viên thủy sản vào ao nuôi. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và kỹ thuật, nhiều nông dân đã sử dụng các hệ thống tự động hóa hiện đại, các thiết bị công nghệ cao để cung cấp thức ăn cho tôm một cách tự động và chính xác.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào việc so sánh hai phương pháp chính trong việc cho tôm ăn: phương pháp cho tôm ăn truyền thống bằng tay và phương pháp cho tôm ăn bằng kỹ thuật (máy tự động). Bằng cách so sánh và đánh giá hai phương pháp này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển của ngành nuôi tôm và cách nâng cao hiệu suất chăn nuôi tôm trong tương lai.
Phương pháp cho tôm ăn bằng tay liệu có còn hiệu quả?
Phương pháp cho tôm ăn bằng tay là phương pháp thủ công, người nuôi tôm sẽ dùng tay rải thức ăn trực tiếp xuống ao nuôi tôm hoặc chèo xuồng ra ao nuôi để rải. Thời gian cho ăn sẽ được lên lịch cố định trong ngày, lượng thức ăn sẽ được phân bổ tùy theo kinh nghiệm và phương pháp riêng của từng hộ dân.
Theo một số hộ chăn nuôi, cho tôm ăn bằng tay sẽ giúp họ kiểm soát được số lượng thức ăn hằng ngày. Việc cho tôm ăn bằng tay cũng sẽ dàn trải thức ăn, tránh tình trạng tôm đâm đầu vào nhau do thức ăn tụ lại một chỗ. Cách này cũng tiết kiệm chi phí bảo trì máy móc, họ cũng có “cảm giác gần gũi” hơn trong khi rải thức ăn cho tôm.
Tuy nhiên, cách này không phù hợp với mô hình nuôi tôm mật độ cao, quy mô lớn tại Việt Nam. Lúc này thức ăn phân bổ không đều so với số lượng tôm nữa, dẫn đến tình trạng tôm chỉ tiêu thụ khoảng 70% lượng thức ăn có sẵn trong ao, còn 30% còn lại thường rơi xuống đáy ao tạo thành chất thải và cặn bã khiến tôm nuôi bị bệnh.
Chính vì thế, nhiều hộ nuôi tôm từ mô hình ao nuôi nền đất - cho ăn bằng tay đã chuyển sang mô hình ao nuôi lót bạt, kết hợp máy cung cấp oxy và máy cho ăn tự động được cải tiến, giúp việc kiểm soát thức ăn trở nên dễ dàng hơn. Từ đó bà con cũng không cần phải hao phí sức lực, tiết kiệm được nhiều thời gian.
Tổng quan phương pháp cho tôm ăn bằng kỹ thuật
Phương pháp cho tôm ăn bằng kỹ thuật được người nuôi tôm sử dụng nhằm giúp tôm được ăn liên tục, cải thiện tốc độ tăng trưởng của tôm. Một số ưu điểm của phương pháp cho tôm ăn bằng kỹ thuật như sau:
Cung cấp thức ăn liên tục, tạo điều kiện cho tôm phát triển. Đồng thời hạn chế thức ăn thừa, cải thiện FCR, duy trì môi trường nước ổn định. Nâng cao năng suất, 1 công nhân có thể quản lý 2 đến 3 ao nuôi.
Giảm thời gian cho tôm ăn, người nuôi có thời gian khác để quan sát môi trường nước, hành vi của tôm. Hỗ trợ an toàn cho hệ thống chăn nuôi tôm và giúp bà con thu thập số liệu về vụ nuôi chính xác.
Hiện nay có hai loại phương pháp cho tôm ăn bằng kỹ thuật là:
Sử dụng máy cho tôm ăn tự động
Máy hoạt động theo chế độ hẹn giờ sẵn, có thể điều chỉnh lượng thức ăn phân phát tuỳ theo mật độ tôm và kích cỡ của ao nuôi. Khi sử dụng máy tự động để cho tôm ăn, việc này chỉ mất từ 3 đến 5 phút cho mỗi ao tôm có diện tích từ 500 đến 1000m2.
Lượng thức ăn được phun ra sẽ được phân bố đều khắp ao mà không gây ra việc thức ăn rơi xuống bờ ao hoặc dư thừa gây cặn bã trong ao. Nhờ đó tôm có thể phát triển nhanh chóng và đồng đều, và mỗi lần thu hoạch đều mang lại hiệu suất tốt, giúp tránh được nhiều bệnh tật.
Để tối ưu hóa hiệu suất nuôi tôm, bà con cần thực hiện việc theo dõi và ghi nhớ một số yếu tố quan trọng, bao gồm lượng thức ăn được cung cấp vào máy, sự tiêu thụ thức ăn của tôm, tình hình môi trường và thời tiết.
Thông qua việc này, chúng ta có thể điều chỉnh lượng thức ăn được phân bổ từ máy một cách hiệu quả để đảm bảo rằng tôm luôn phát triển tự nhiên và khỏe mạnh. Điều này sẽ đóng góp đáng kể cho việc thu hoạch thành công và sản lượng tôm cao hơn cho bà con.
Sử dụng máy cảm biến âm thanh
Máy cảm biến âm thanh hoạt động dựa trên nhu cầu ăn của tôm. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý cảm biến tín hiệu thèm ăn của tôm trong môi trường để phân phát thức ăn.
So sánh phương pháp cho tôm ăn truyền thống và cho ăn bằng kỹ thuật
Tuỳ vào mật độ tôm, kích cỡ ao nuôi, môi trường nước, độ tuổi của tôm, mô hình nuôi đất hay lót bạt,... mà người nuôi tôm sẽ cho tôm ăn bằng tay hoặc bằng máy.
Bà con nên linh hoạt đan xen hai phương pháp này, trong giai đoạn đầu có thể cho tôm ăn bằng tay. Tôm đã đủ 25 ngày tuổi có thể chuyển sang việc cho ăn bằng máy, nhưng trong giai đoạn chuyển đổi ban đầu, việc kết hợp cả hai phương pháp là cần thiết, bà con nên cung cấp 50% lượng thức ăn bằng tay và 50% còn lại bằng máy. Sau đó, bà con có thể tăng dần tỷ lệ thức ăn cho tôm qua máy để giúp tôm thích nghi hoàn toàn với cách cung cấp thức ăn này.