TIN THỦY SẢN

Sò tai tượng: Kho báu nơi đại dương

Sò tai tượng là sinh vật biển mang nhiều giá trị Nguyệt Hoa

Sò tai tượng được biết đến là động vật thân mềm có kích thước lớn nhất. Không chỉ có kích thước khủng, chúng còn mang lại rất nhiều giá trị về kinh tế và thẩm mỹ.

Một loài sò khổng lồ ở Việt Nam

Trai tai tượng khổng lồ hay còn được biết đến rộng rãi với tên gọi sò tượng hay sò tai tượng là một động vật thân mềm lưỡng tính được phát hiện năm 1521 và có tên khoa học là Tridacna gigas.

Sở dĩ, sò tai tượng được nhiều người gọi là sò khổng lồ bởi chúng có thể đạt chiều dài đến 1,5m và nặng 300kg.

Trở lại với vấn đề tên gọi, thực chất chúng là một loài trai chứ không phải sò và có vỏ cứng, dày và có từ 4 đến 7 nếp gấp dọc trên vỏ. Vỏ của sò tai tượng khổng lồ cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài cá nhỏ sống trong rạn san hô.

Điều thú vị là bên trong lớp vỏ của sò tai tượng là lớp màng áo gồm nhiều màu có thể là màu nâu đồng, vàng hay xanh lá cây. Sự sắp xếp màu sắc giữa những con sò tai tượng không bao giờ trùng lặp.

Màu sắc của mỗi cá thể sò tai tượng đều là “độc nhất vô nhị”

Sò tai tượng phân bố ở quanh các rạn san hô ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương ở độ sâu khoảng 20m. Do đó, những thay đổi của hệ sinh thái rạn san hô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của sinh vật biển này. 

Tại vùng Biển Đông của Việt Nam, chúng được tìm thấy ngoài khơi bờ biển Hạ Long, Bình Định, Phú lặng, Khánh Hòa, Bình Thuận,...

Những con sò khổng lồ này sống bằng cách hút dinh dưỡng được tạo ra từ vô số sợi rong biển sống trên cơ thể cũng như tất cả các loài sinh vật phù du có trong nước vào cơ thể rồi thổi nước ra và giữ lại chất hữu cơ.

Giá trị của sò tai tượng

Không phải vô cớ mà người ta ví sò tai tượng giống như một kho báu quý giá được chôn cất ở đại dương bởi chúng có thể mang lại giá trị lớn về kinh tế, sức khỏe, thẩm mỹ và đặc biệt là sinh học.

Dù không dễ khai thác như những loài thủy sản khác, sò tai tượng vẫn được rất nhiều ngư dân “săn đón” bằng cách chủ yếu là lặn ở độ sâu lên đến 30-50m so với mặt nước hay thậm chí là bám vào cứng vào các rạn san hô ở ngoài khơi xa.

Đối với những con nhỏ và vừa, ngư dân thường đục, nạy bằng xà beng và dùng neo tàu móc vào để máy kéo lên; còn những con to quá thì phải dùng cẩu để cẩu. Không phụ lòng của những ngư dân, giá bán của sò tai tượng rất cao từ khoảng 50 đến 60 triệu/con tùy kích cỡ.

Bên cạnh việc sử dụng vòi và thịt của sò tai tượng để chế biến những món ăn thơm ngon như: Hấp, nướng, nấu cháo, xào bơ tỏi,... dồi dào giá trị dinh dưỡng bao gồm: Vitamin A và C, sắt, kẽm, canxi và chất béo không hòa tan.

Nhờ vào màu sắc sặc sỡ của chiếc vỏ, bộ phận này của sò tai tượng còn được sử dụng phổ biến trong nuôi cảnh, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nghiền thành bột để chế tạo kem dưỡng da.

Những chiếc vỏ của sò tai tượng thường có màu sắc đặc biệt nổi bật

Quan trọng hơn, về khía cạnh sinh học thì sò tai tượng sở hữu một nguồn gen quý hiếm có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái rạn san hô.

Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức đã khiến cho loài động vật này bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Hệ quả rõ ràng nhất là có nhiều loài sò tai tượng đã được đưa vào Danh lục đỏ Việt Nam như loài sò tai tượng khổng lồ (Tridacna gigas), sò tai tượng vảy (Tridacna squamosa), sò tai tượng lớn (Tridacna maxima). Trong đó, hai loài là sò tai tượng khổng lồ và sò tai nghé (Hippopus hippopus) trước đây có thông tin phân bố ở vùng biển Việt Nam, giờ không còn được phát hiện trong các nghiên cứu.

Từ đó, những chính sách bảo tồn đã được ra đời nhằm khuyến cáo người dân không được đánh bắt và buôn bán trái phép sò tai tượng. Đồng thời, chúng cũng được liệt kê vào danh sách những động vật hoang dã, thủy sản quý hiếm bị Nhà nước cấm vận chuyển, buôn bán trái phép dưới mọi hình thức.

Nguyệt Hoa