TIN THỦY SẢN

Sò voi “lên voi”

Sò voi được bày bán ở thị trấn Sông Đốc. Phùng Trầm

Ít ai ngờ rằng, khoảng 15 năm trước, giá sò voi 'rẻ như bèo', nhưng giờ lại cao gần bằng sò huyết. Đầu mùa sò voi năm nay, giá bán lẻ nhiều nơi lên hơn 80.000 đồng/kg, đôi khi phải tranh mua; lúc rẻ nhất cũng “3 ký 100 ngàn”. Mới hay, cái thứ rẻ hơn ốc bươu vàng kia có ngày cũng “lên voi”.

Ông Trần Thanh Mỹ, công chức phụ trách bộ phận thuỷ sản thị trấn Sông Đốc, cho hay, trước đây, tới mùa sò voi, người dân Sông Đốc xúm nhau đi cào, nhiều lắm. Nhưng đột ngột sò voi "mất tích" đến tận 3 năm. Mùa này nó mới “tái xuất giang hồ” nhưng với số lượng ít. Quay đi ngoảnh lại chỉ thấy ghe cào Kiên Giang hành nghề rồi bán lại cho người dân Sông Đốc để họ bán lẻ ở các điểm chợ, bán dọc ven đường…

Những chuyện bi hài

Trong ký ức của thế hệ 8X, 9X,  khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch, mỗi ngày đều nghe tiếng rao: “Sò voi 3 ký 10 ngàn đây!”. Ghe xuồng chở sò voi đi bán dập dìu các bến sông quê. 

Anh Trần Văn Thái, Ấp 2, xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, nhớ lại: "Đi học về mà thấy nhà ăn cơm với sò voi luộc chấm muối tiêu chanh là tôi lại cằn nhằn. Nhưng vì nhà nghèo, để tiết kiệm, cha mẹ phải mua sò voi ăn với cơm qua ngày. Ăn xong tôi phải lén đổ nhẹ vỏ vì sợ người ta quở…".

Bẵng đi một thời gian, người ta không tìm thấy sò voi ở các chợ, tiếng rao của những người bán dạo cũng biệt tăm. Giờ đây, người ta thi nhau mua sò voi để "hưởng ứng phong trào" rồi chụp hình đưa lên mạng xã hội. Với ngần ấy lý do, nhiều người không ngại từ xa đổ xô về các vùng ven biển tìm mua món ăn “xa xỉ” này để trở thành người sang chảnh, sống kịp thời.

Cụ bà Nguyễn Kim Anh, 75 tuổi, ấp Nhà Phấn, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tâm sự: "Lúc trước, mỗi lần có khách là tôi luộc sò voi đãi khách. Vì nhà nghèo, lại đông con nên phải cho chúng ăn độn sò voi. Mỗi đứa ăn từ 2-3 kg sò voi là chuyện bình thường. Nhưng giờ muốn mua 1 kg sò voi ăn cũng không dám, vì giá quá đắt đỏ".

Thật ra, sò voi cũng không có gì đặc biệt hơn ngày trước, yếu tố làm nó “hút” như hiện nay là vì nó đã "ẩn náu" quá lâu. Do khan hiếm, cộng thêm cơn sốt của mạng xã hội đã nâng giá trị của sò voi tăng cao mấy mươi lần.

Đến thời điểm hiện tại, chỉ cần nhập từ khoá “sò voi” vào ô tìm kiếm, một loạt kết quả hiện ra đủ để người dùng internet có thể cảm nhận được mức độ “hot” của loại sò này. Đa phần đều là những bức ảnh sò được chế biến, trình bày đẹp mắt kèm theo lời bình “mình có bán sò voi”, “cũng thử cho biết”, “ăn nhanh kẻo hết”, “có ai biết ở đâu bán sò voi không ạ?”. Nhờ có mạng xã hội mà món ăn tưởng chừng phải lén đổ đi lại trở thành món ăn muốn dùng phải đặt trước mới có, mua và ăn một cách công khai.

Về “thủ phủ” sò voi

Đường dẫn vào trung tâm thị trấn Sông Đốc tấp nập người mua, kẻ bán sò voi. Theo ông Trần Thanh Mỹ, đa phần kinh tế của những người bán sò voi ở các điểm chợ đều tương đối khó khăn. Nhưng nhờ đợt bán sò voi này giúp họ kiếm thêm nguồn thu nhập. 

Chị Trần Thị Tuyết, buôn bán tại điểm chợ lẻ Sông Đốc, cho hay: "Mấy ngày đầu bán sò voi hút khách lắm, trung bình khoảng 50 kg/ngày. Bây giờ nhiều khi khách lại hỏi thì đã hết hàng".

Mùa sò voi này, chị Tuyết bán lượng hàng nhiều hơn các điểm bán lẻ khác nhờ con gái tranh thủ sự ủng hộ của khách hàng qua kênh bán online. Chị Tuyết chia sẻ: “Con gái tôi rao bán sò voi trên facebook nên nhiều khách biết đến và mua với số lượng nhiều, nhất là các tỉnh khác… Sò voi có đặc tính dễ chết và không dùng được khi chết nên đây là trở ngại lớn cho các tiểu thương như chúng tôi quảng bá món ăn lạ này”.

Sò voi chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, khi mùa mưa đến thì nó lại một lần nữa "mất tích". Và qua mùa sò voi này, không ai biết rằng thời gian “ở ẩn” của nó sẽ là bao lâu? Và câu chuyện sò voi là lời cảnh báo từ thiên nhiên rằng, tài nguyên thiên nhiên ban tặng luôn luôn là hữu hạn.

Phùng Trầm Báo Cà Mau