TIN THỦY SẢN

Sóc Trăng: Đầu tư nuôi tôm có trọng điểm

Nuôi tôm Sóc Trăng Ngọc Khuê

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng tổ chức buổi gặp gỡ đối thoại với các tổ chức tín dụng, nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, để nhận định lại những điều còn vướng mắc, khó khăn trong quá trình hợp tác. Sau buổi đối thoại, các bên tham gia đều thống nhất quan điểm là đầu tư vào nghề nuôi tôm – cần đầu tư có trọng điểm.

Năm 2017, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ người nuôi thủy sản trong tỉnh vay 890,7 tỉ đồng; 4 tháng đầu năm 2018, 6 doanh nghiệp và hơn 11.600 hộ dân được cho vay, nâng tổng dư nợ đến cuối tháng 4 là 1.789,6 tỉ đồng. Theo kế hoạch đã phê duyệt, năm 2018, các tổ chức tín dụng sẽ hỗ trợ người nuôi tôm vay khoảng 175 tỉ đồng. Trong giai đoạn giá tôm chưa khả quan hơn, thì các nguồn hỗ trợ này đóng vai trò rất lớn để doanh nghiệp, nông dân ổn định hoạt động.

Ở góc độ người nuôi tôm, ông Trần Hữu Mai – thành viên Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh cho rằng: Ngân hàng cần có cơ chế đánh giá khả năng thành công về phương án sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp lẫn nông dân trước khi giải ngân, giữa bên cho vay và người đi vay cần nhìn ra lợi ích chung, tức là đầu tư đúng đối tượng, đầu tư có hiệu quả. Theo ông Mai: “Hiện nay, nông dân nuôi nhỏ lẻ còn khó để tiếp cận nguồn vốn vay, các ngân hàng còn nặng về vay có thế chấp, trong lúc tôm xuống giá hay gặp dịch bệnh thì rất khó để vay vốn tái sản xuất, trong khi doanh nghiệp lớn thì có lợi thế để vay vốn hơn”. Ông Phạm Kim Hùng, Phó Giám đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Sóc Trăng, nói: “Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện để hỗ trợ bà con, quý doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay, cùng giải quyết những khó khăn còn tồn tại và tiến đến nền nuôi tôm bền vững hơn”.

Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp liên kết với các tổ chức, dự án liên quan trên địa bàn như Icafis, WWF, đại học Cần Thơ, các doanh nghiệp, công ty thu mua, chế biến thủy hải sản để hợp tác với HTX, THT nuôi tôm Sóc Trăng. Hiện đã có 11 HTX, THT có liên kết về với công ty thu mua tại tỉnh với giá cao, diện tích nuôi 337 ha. Trong tình hình khó khăn chung, tỉnh nỗ lực duy trì và nhân rộng các mối liên kết này, trên cơ sở các bên tham gia cùng có lợi.

Tuy nhiên, ở góc độ đảm trách khâu thu mua và tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, về lâu dài, việc liên kết làm ăn cần chắt lọc kỹ càng. Vì hiện nhiều người nuôi tôm thiếu vốn, nhưng khi có vốn lại không chú trọng đầu tư nâng cấp công nghệ, trang thiết bị và nâng cấp kỹ thuật nuôi hiện đại tiên tiến hơn. Nếu chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên ưu đãi của tỉnh ven biển và kinh nghiệm nuôi trước nay thì sẽ không theo kịp các yêu cầu khắt khe, khó thâm nhập sâu vào các nước trên thế giới. Ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, cho biết: “Các chuyên gia khuyến cáo cần nuôi tôm siêu thâm canh trên nền công nghệ cao và kỹ thuật phải mạnh, việc này nông hộ nhỏ lẻ khó làm được. Tuy nhiên nếu liên kết thành khối lớn, đồng bộ từ con người đến công trình, kỹ thuật nuôi thì có thể làm được. Khi đó thì sản phẩm thủy sản của nước ta mới có thể được nhiều nước trên thế giới chấp nhận”.

Sau thời gian giảm liên tục, hiện giá tôm thẻ chân trắng tại một số địa phương đã bắt đầu chững lại, các chuyên gia dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự biến động của thị trường rất khó lường, trong lúc này, người nuôi tôm cần nhìn nhận lại, giá thành sản xuất tôm nước lợ còn quá cao (khoảng 65 – 75 ngàn đồng/kg), chỉ cần giá xuống thấp hoặc tôm có thiệt hại, thì lợi nhuận người nuôi cũng bị ảnh hưởng.  

Như vậy, đầu tư đúng, có kế hoạch lâu dài sẽ giúp người nuôi sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, giảm giá thành sản xuất một cách thông minh, thực sự làm chủ nguồn thu nhập của mình.

Ngọc Khuê Báo Sóc Trăng