Sóc Trăng: Hội thảo tổng kết thực hành quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP
Sáng 05/1, tại Trung tâm Văn hóa Hội nghị, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn thực hành quy trình nuôi tôm cho hộ nuôi tôm nước lợ (VietGAP) năm 2015. Dự Hội thảo có lãnh đạo Chi cục Nuôi trồng thủy sản; cùng đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã có diện tích nuôi tôm và các hộ nuôi tôm tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Việc triển khai thực hiện “Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hành quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP cho người nuôi tôm nước lợ”, nhằm thúc đẩy phong trào nuôi tôm ngày càng tiến gần đến mục tiêu tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả giá trị gia tăng, giảm thiểu dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Đồng thời có kế hoạch, lộ trình đưa VietGAP đến gần hơn với người nuôi trồng thủy sản…
Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt, thông qua quy trình rà soát và chọn đơn vị thực hiện VietGAP, kết quả, Hợp tác xã nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên), Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình (Trần Đề) và Tổ hợp tác Toàn Thắng, ấp Kinh mới, xã Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu) được chọn và ra quyết định trình diễn hoạt động tư vấn. Sau thời gian tiến hành tư vấn thì Hợp tác xã nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A thuộc huyện Mỹ Xuyên đáp ứng được nhiều tiêu chí của quy phạm VietGAP và đạt được mục tiêu đưa ra. Do đó, tổ chức tư vấn đề xuất tiến đến hướng dẫn đánh giá chứng nhận cấp mã số VietGAP cho Hợp tác xã nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A. Sau khi hoàn tất các công việc đã tiến hành tổng kết và trao chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch đề ra…
Tham luận tại buổi Hội thảo, các tổ hợp tác, hợp tác xã và các đại biểu khẳng định: Quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP là xu thế tất yếu. Mặc dù áp dụng theo quy trình này khiến người nuôi vất vả hơn nhưng an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường nuôi bền vững hơn.
Hoạt động tư vấn đã đạt mục tiêu chỉ đạo chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quan điểm chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, do đó bà con nuôi tôm trên địa bàn tỉnh bước đầu cũng hiểu biết về VietGAP và những lợi ích mà VietGAP mang lại, nên người nuôi tôm rất nhiệt tình khi hỗ trợ áp dụng. Dịp này, đơn vị đánh giá là Công ty cổ phần giám định và chứng nhận Vinacert thông báo và trao quyết định chứng nhận mã số VietGAP cho Hợp tác xã nông ngư 14/10 Hòa Nhờ A thuộc huyện Mỹ Xuyên.