Sóc Trăng: Thực hiện các dự án làm sạch môi trường nuôi tôm
Chiều 28/5, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc làm việc với đoàn công tác của Phòng Thương mại quốc tế, Cục Xúc tiến Thương mại tỉnh Hiroshima, Nhật Bản về trao đổi các hoạt động hợp tác giữa 2 tỉnh.
Theo ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, qua thời gian hợp tác giữa 2 tỉnh Sóc Trăng và Hirshima, cả hai đều phát triển các lĩnh vực về xử lý rác, xử lý nước thải trong nuôi tôm. Hoạt động này đã giúp cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm 2 tỉnh Sóc Trăng và Hiroshima có những trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau trong việc phát triển công nghệ xử lý nước, xử lý rác thải cũng như văn hóa tiêu dùng của hai bên.
Qua đó, doanh nghiệp 2 bên đã tích cực giới thiệu các công nghệ tiên tiến trong xử lý nước nuôi tôm, xử lý môi trường, hướng đến phát triển sản xuất tôm sạch tại Sóc Trăng và xây dựng thương hiệu cho con tôm sạch được nuôi bằng công nghệ xử lý nước sạch của tỉnh Hiroshima.
Hiện, Sóc Trăng đã triển khai nhiều dự án như máy lọc nước, chất xử lý trong môi trường nuôi tôm… Đây là những dự án mà các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm, sau đó hy vọng sẽ có những bước đầu tư dài hơi trong tương lai.
Với những hiệu quả hợp tác nêu trên, Phó Chủ tịch Lê Văn Hiểu mong muốn lãnh đạo tỉnh Hiroshima tiếp tục hỗ trợ Sóc Trăng trong thời gian tới, nhất là các dự án về xử lý nước trong nuôi tôm, xử lý rác thải, hướng tới xây dựng thương hiệu tôm sạch… để giúp địa phương ngày càng phát triển.
Ông Lê Văn Hiểu cũng đề xuất với đoàn Xúc tiến thương mại tỉnh Hiroshima (Nhật Bản) đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản lượng tôm sạch được nuôi tại Sóc Trăng, có ứng dụng công nghệ của Hiroshima. Có như vậy, người nuôi tôm Sóc Trăng mới đủ động lực để tiến tới đầu tư và thay đổi công nghệ nuôi tôm sạch, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người Nhật Bản.
Ông Matsubara Kazuki, Chủ nhiệm Ban thương mại Quốc tế Hiroshima, Nhật Bản nhấn mạnh, hiện con tôm Ấn Độ nhập khẩu vào Nhật Bản có vấn đề về chất lượng nên được bán với giá thấp tại Nhật.
Vì vậy, con tôm sạch của Việt Nam muốn bán được giá cao phải đảm bảo được yêu cầu tiêu chuẩn nguồn nước sạch, môi trường được xử lý tốt; đồng thời, Sóc Trăng cần phải xây dựng thương hiệu nguồn nước sạch mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn tiêu dùng của người Nhật Bản. Khi đó, việc tiêu thụ con tôm sạch được nuôi bằng công nghệ của Hiroshima sẽ dễ dàng hơn.