TIN THỦY SẢN

Sông và người, hiểu nhau mới chung sống bền lâu

Ảnh: Huỳnh Công Bá Nguyễn Hữu Thiện

Nói theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê (1), dòng sông Mêkông như có hẹn với dân tộc Việt, cùng xuất phát từ phương Bắc, người men theo bờ biển Đông xuống, kẻ đi phía Tây dãy Trường Sơn, sông Mêkông đến trước sáu ngàn năm, miệt mài xây dựng nên một vùng đất trù phú ở phương Nam chờ sẵn đó. Đến một ngày cách đây hơn ba trăm năm, người Việt đặt chân đến khai phá, xây dựng nên một cơ đồ trù phú, truyền lại cho cháu con, gọi là vùng châu thổ Cửu Long, tượng trưng cho chín cửa sông.

Dòng sông chín rồng nay chỉ còn bảy bởi cửa Ba Thắc nằm giữa hai cửa Tranh Đề, Định An ở Sóc Trăng do bồi lắng tự nhiên đã biến mất cả trăm năm và nay, cửa sông Ba Lai ở Bến Tre đã bị đắp đập, cửa sông này đang dần bị bồi lấp.

Người Việt và sông Mêkông đã cùng chia sẻ ngọt bùi hơn ba trăm năm trên vùng đất này. Sông hiểu người cần gì. Dòng sông miệt mài mang nước tuyết tan tận cao nguyên Tây Tạng, nước mưa xứ Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia mát lành về cho người uống, tắm gội, chèo thuyền chở sản vật bán buôn, đi thăm hỏi nhau.

Trong dòng nước đó, sông gửi thêm phù sa bồi bổ đất đai, cát sỏi để giữ bờ sông, bờ biển cho vững chắc, tạo bãi cho nghêu, sò sinh sống và để người dùng xây nhà cửa. Năm nào nước đỏ về sớm, biết nước sẽ cao, người gọi là nước son. Năm nào nước màu xám gọi là nước bạc.

Sông cũng biết con nít, người lớn cần ăn cơm mà cũng cần ăn cá nên nuôi nấng bao nhiêu là cá trắng, cá đen, tôm, cua, rồi mang dinh dưỡng ra ven biển để nuôi thêm cá biển.
Sống lâu với nhau, người hiểu sông cũng đảm đang, kiêm luôn chuyện nội trợ, dọn nhà nữa. Khi sông ở trên cao thì chỉ một chiều chảy xuống nhưng khi về xứ này thì tỏa ra, ăn thông ra biển bằng cả ngàn cửa sông lớn nhỏ, giao lưu với thủy triều biển Đông, biển Tây để có con nước lớn, nước ròng hàng ngày, nước rong nước kém mỗi tháng. Sông siêng năng quét dọn nhà mỗi ngày hai lần ở phía Đông, một lần ở phía Tây.

Sống lâu với nhau, người hiểu sông chu đáo biết nhường nào. Sợ dòng nước mạnh quá người không chịu nên vào mùa mưa, sông tạm cất bớt nước vào Biển Hồ bên Campuchia, cho dòng nước hiền hòa bớt, rồi lại cất bớt nước vào Đồng Tháp Mười phía tả ngạn, Tứ giác Long Xuyên phía hữu ngạn. Vì sông hiền hòa, ông bà ta đâu có gọi là mùa lũ mà gọi mùa đó bằng cái tên hiền ơi là hiền - mùa nước nổi. Cất nước bớt vào cũng vì sông e rằng vào mùa khô khi mình yếu đi thì biển sẽ lấn, có nước để dành để đẩy mặn ra bớt.

Nhưng dòng sông không phải của riêng người Việt bởi trên đường về đây, sông cũng kết giao với người ở năm xứ, cũng chu đáo nuôi nấng họ hàng ngàn năm nay. Người Lào nói là tụi tôi không nuôi cá, mà cá nuôi tụi tôi.

Đến đời nay, con người xem chừng đã xa rời thiên nhiên, ít hiểu sông hơn. Bên Trung Quốc đã đắp đập chắn sông bắt sông cho điện. Xứ Lào muốn thành cục pin bán điện cho xứ Thái Lan, khỏi mần cũng có ăn, nên đắp ngang sông, tính hết nghèo. Bên Campuchia cũng rục rịch đắp.

Phù sa rồi sẽ không về. Cát sỏi rồi sẽ không về dưới đáy sông. Cá trắng sẽ không bơi ngược dòng để sinh đẻ được nữa. Vùng nước biển từ bờ ra vài chục cây số sẽ ít đục hơn, nhẹ hơn, không thể làm giảm sức mạnh của sóng từ biển khơi để chở che cho bờ, sạt lở sẽ dữ dội hơn. Chim, rùa, rắn, và người sẽ thiếu cá ăn. Bên Tây con nít nhờ uống sữa mà cao lớn, còn ở xứ ta, con nít nhà quê nhờ ăn cá trắng mà cao lên. Sau này ít cá, chưa biết tính sao.

Có người nói xứ người ta đắp nói chi cho mệt, ta nói ta nghe thôi. Nhưng mà mấy nước chia sẻ dòng sông đã có hiệp định mà, mình phải nói chứ(2). Nếu không ai nói gì chắc họ đắp hết từ lâu, rồi còn đổ thừa có nghe ai nói gì đâu.

Ở xứ ta, ngày trước ông bà mình mần (làm) chỉ một mùa lúa trong năm, mùa kia để nước tràn đồng, nơi nào ngập sâu thì trồng lúa mùa nổi. Mới chừng hai chục năm trước thôi, lúa vẫn còn chỉ hai vụ một năm. Để kịp gặt trước khi nước lên, người dân làm đê lửng gọi là “đê tháng 8”. Sau gặt hái cho nước ngập đê lửng tràn đồng, cho phù sa, tôm cá vô đồng. Lúa dư sức đủ ăn, còn góp phần nuôi cả nước.

Chừng hai chục năm nay, không biết ai giao cho mình sứ mạng an ninh lương thực cho thế giới mà mình phải nai lưng trồng ba vụ lúa một năm, xây đê bao khép kín, không cho nước, phù sa, tôm cá vô đồng. Lúa nhiều mà bán rẻ rề, đất hết chất bổ, chai cứng, cá hết, nước vô đồng không được trôi tuột ra biển rồi mùa khô nước mặn lấn vô sâu.

Mần thêm vụ lúa, dân có hết nghèo đâu. Một mẫu tây đất, mần hai vụ thì vụ đầu lời hai chục triệu bạc, vụ sau mười một triệu. Mần thêm một vụ nó kéo hai vụ kia xuống, vụ một còn lời mười tám triệu, vụ sau mười triệu, vụ ba được chín triệu nữa, vị chi ba mươi bảy triệu, thêm được có sáu triệu, chưa tính (trừ) tiền đê, mất phù sa, mất cá, xâm ngập mặn này nọ. Mần lúa ra nhiều rồi lúa của mình bán ra bị Mỹ chê, trả lại, họ bảo vì thuốc trừ sâu nhiều quá. Mần liên tiếp thì dịch bệnh nhiều, dùng thuốc nhiều, đất cạn kiệt thì xài phân nhiều. Họ ớn không dám ăn, dân ta thì nhà giàu mua gạo xứ Campuchia về ăn, nhà nghèo vẫn ngày hai bữa, không biết còn mạnh giỏi được bao lâu.

Mấy năm nay sông Mêkông yếu, rồi năm ngoái khô hạn xảy ra trên khắp năm xứ phía trên, nước mưa không có mà chảy về. Sông Mêkông quá yếu, để cho mặn tràn vô, lúa thóc trồng mùa khô ven biển thiếu nước, hư hỏng. Nghe đâu năm ngoái là lúc sông Mêkông yếu nhất trong cả trăm năm nay. Rồi thiên hạ nghĩ là xứ này đã hết nước, phải đắp bít cửa sông lại để ngăn mặn. Đắp bít rồi thì mần sao còn nước ròng, nước lớn, nước rong, nước kém để con sông còn đảm đang dọn nhà cho mình. Mần sao để cá tôm đi vô, đi ra, chắc phải nhịn ăn tôm, cá. Không có nước lớn, nước ròng, sông thành cái hồ ô nhiễm, đầy chất độc dưới đáy sông, thì hát mấy bài dân ca sông nước nghe chắc lạc lõng.

Mà nước lũ mới năm 2011 vẫn còn cao lắm. Chỉ mới năm năm sao con người dám quả quyết đã hiểu lòng trời đất. Còn nhớ mới hồi năm 2000-2002 lũ cao vài năm, cao nhất trong 50-80 năm, thì ta đã xài bao nhiêu là tiền để nào là đào kinh xả lũ, nào là cụm dân cư thoát lũ, quyết liệt chống lũ, để bây giờ quay ngoắt đinh ninh là không còn nước để tính chuyện đắp bít cửa sông ngăn mặn. Sao lòng người đổi thay quá nhanh?

Đi xa hơn, có người còn bảo phải sang xứ Do Thái học tưới nhỏ giọt. Xứ mình có phải sa mạc đâu. Mưa tại chỗ một năm cả một thước tư tới hai thước nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt có khi bị mưa nhấn chìm không biết đâu mà tìm.

Nhiều “còm-sĩ” trên phây-búc cho rằng đập thủy điện chặn nước nên nước không về. Đập ở Trung Quốc thì lớn thiệt, hồ chứa to lắm, nhưng phần nước từ đó chỉ có 16% thôi, thêm Myanmar 2%. Mấy đập đó có chặn hết cũng vẫn còn 82%. Đập ở Lào và Campuchia năm ngoái chưa xây xong nên chưa có chắn nước. Mai mốt mấy đập này xây xong mới là ghê, không còn cá trắng, không còn hột cát nào về, phù sa mịn chỉ còn chút ít.

Gặp mấy năm khô hạn thì mỗi đập này giữ nước lại một ngày rưỡi tới 18 ngày, làm đảo lộn hết. Những năm bình thường thì chuyện nước không đáng lo, nên lo chuyện phù sa, chuyện cá mới đúng. Gặp năm hạn thì né là chắc ăn nhất. Có người kêu phải đào ao trữ nước. Đào ao thì quá tốt, nhưng hai cái “ao” thiệt lớn, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đó, dùng còn tốt hơn nữa. Vùng ven biển sáu tháng ngọt, sáu tháng mặn nên nương theo là khỏe nhất, chỉ cần lo nước sinh hoạt thôi thì nhẹ gánh hơn phải lo nước ngọt cho sản xuất. Canh tác nương theo mặn - ngọt có khi giàu hơn cố mần lúa mùa mặn.

Ta lo họ đắp đập cá không di chuyển được để sinh sản. Vậy mà trên sông Hậu, ta trấn mấy cụm nhiệt điện than to bự, hút nước sông làm mát nhà máy, xả ra làm nước sông nóng hổi, cá tôm nào dám bơi ngang. Chưa kể chất độc xả ra nữa.

Ông bà ta nói sông có khúc, người có lúc, bình tĩnh mà hiểu nhau để đối xử, mới mong sống chung bền
lâu được.

(1) Bảy ngày đêm trong Đồng Tháp Mười, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2002
(2) http://www.thesaigontimes.vn/122376/Nhung-ngo-nhan-ve-thuy-dien-Mekong.html

Ông bà ta nói sông có khúc, người có lúc, bình tĩnh mà hiểu nhau để đối xử, mới mong sống chung bền lâu được.

Nguyễn Hữu Thiện TB Kinh tế Sài Gòn, 27/01/2017