Sử dụng chế phẩm sinh học EM trong nuôi Tôm thẻ chân trắng
Các tỉnh ven biển miền Trung có tổng diện tích đất cát phù hợp cho nuôi tôm gần 16.000 ha; trong đó, ở Thừa Thiên Huế 600 ha. Ngoài đóng góp vào việc tăng sản lượng tôm xuất khẩu của cả nước, nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung còn giúp tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho dân cư ven biển, giảm áp lực khai thác hải sản ven bờ...
Theo Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích nuôi tôm năm 2013 đạt 654.000 ha; trong đó, diện tích tôm sú là 590.000 ha cho sản lượng 268.097 tấn, còn diện tích nuôi tôm chân trắng chỉ 64.000 ha nhưng sản lượng đạt tới 272.837 tấn. Như vậy, diện tích nuôi tôm sú gấp hơn 9 lần so với tôm chân trắng nhưng sản lượng lại ít hơn 4.740 tấn. Xuất khẩu tôm trong năm này thắng lớn với kim ngạch hơn 3 tỷ USD là nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của tôm chân trắng mang lại. Trong con số này có sự đóng góp một phần sản lượng của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.
Tại các tỉnh ven biển miền Trung, năm 2013 có 9 tỉnh nuôi tôm trên cát với tổng diện tích là 1.457 ha, sản lượng thu hoạch là 24.035 tấn. Những tỉnh có diện tích nuôi tôm trên cát lớn điển hình như QuảngTrị (450 ha), Quảng Nam (340 ha), Thừa Thiên Huế (385 ha). Năng suất bình quân của mô hình nuôi tôm thẻ trên cát đạt 10-15 tấn/ha/vụ, cá biệt có mô hình nuôi đạt năng suất 50-60 tấn/ha/vụ như ở Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.
Nếu như trước đây tôm sú đóng vai trò chủ lực thì nay con tôm chân trắng đang vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Lần đầu tiên, trong năm 2013, tôm chân trắng vượt tôm sú cả về sản lượng lẫn giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm trên cát bộc lộ nhiều bất cập như hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, chưa có ao chứa, lắng và trực tiếp thải nước ra ngoài môi trường khiến môi trường bị tổn thương khó hồi phục.
Ngày 18/9/2014, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định số 3814/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án “Sử dụng chế phẩm sinh học EM và sản phẩm của chúng trong nuôi Tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei, Boone 1931) trên cát tại xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng thành công mô hình nuôi Tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm sinh học EM và hạn chế tác động có hại đến môi trường khu vực nuôi tôm; nâng cao thu nhập của hộ dân.
Với kinh phí 189.504.000 đồng và diện tích mặt nước là 6.000m2 , dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng thành công mô hình nuôi Tôm thẻ chân trắng, đào tạo được 01 cán bộ kỹ thuật địa phương nắm vững về quy trình nuôi Tôm thẻ chân trắng sử dụng chế phẩm sinh học EM và sản phẩm của chúng.