Sự thay đổi của nuôi trồng thuỷ sản nhằm nâng cao phúc lợi của cá và tôm
Hiện nay trên thế giới, có nhiều bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy cá và tôm có thể trải qua cảm giác đau đớn, điều này gây ra các vấn đề liên quan đến đạo đức và cả chất lượng thịt của tôm và cá.
Từ nhiều quy trình nuôi thử nghiệm cũng như chế biến, ngày càng nhiều nhà thuỷ sản nhận ra tầm quan trọng của việc tạo ra môi trường lành mạnh nhằm nâng cao phúc lợi cho cá và tôm.
1. Tạo môi trường lành mạnh nhằm nâng cao phúc lợi cho cá
Murilo Quintiliano, giám đốc FAI Farms (FAI) ở Oxford, Vương quốc Anh, nói với Advocate : “Đó là điều đúng đắn nên làm”. “Khi chúng tôi chế biến cá để làm thực phẩm, trách nhiệm của chúng tôi là phải làm điều đó theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Cá được nuôi trong môi trường lành mạnh mang lại lợi ích tốt hơn, giảm tỷ lệ tử vong, đồng nghĩa với sản lượng tốt hơn cho nông dân và cá có hương vị thơm ngon hơn cho người tiêu dùng”.
Viện Roslin tại Đại học Edinburgh đã đầu tư 6 triệu euro vào việc nghiên cứu tạo ra môi trường lành mạnh cho cá. Họ đang triển khai một nhóm để nghiên cứu cách nhận biết các dấu hiệu căng thẳng của cá và xem liệu DNA có cung cấp tính di truyền của các phản ứng căng thẳng hay không.
Khi có nhiều nghiên cứu xác nhận mối tương quan giữa việc giảm căng thẳng và năng suất cá, các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra những cách mới để giúp người nuôi cá xác định cách nhận biết liệu cá có bị căng thẳng hay không cũng như nâng cao phúc lợi của cá trong tương lai.
2. Ví dụ về việc tạo ra môi trường giảm căng thẳng cho cá
Khi ông Quintiliano của công ty FAI bắt đầu đến thăm những người nuôi cá rô phi tại Brazil vào năm 2018, ông biết được rằng tỷ lệ sống sót của cá rô phi chỉ từ 50 đến 60%.
“Ban đầu, đa phần nông dân không thực hiện các biện pháp giải quyết tỷ lệ tử vong cao này vì cá rô phi có thể sinh sản rất nhanh. Nhưng ngày nay nông dân bắt đầu nhận ra rằng họ không thể tạo ra doanh thu bền vững với tỷ lệ tử vong cao như vậy và điều này cũng không tốt cho tài nguyên thiên nhiên.”
Cùng với Oisten Thorsen - Giám đốc điều hành của FAI, ông đã phát triển Tilapia Welfare App (Ứng dụng phúc lợi cá rô phi) - một phần mềm hoạt động dựa trên các chỉ số đã được xác thực về mặt khoa học để cho phép nông dân đánh giá mức độ căng thẳng của cá rô phi.
Ứng dụng ra mắt vào tháng 2 năm 2023 và được cung cấp miễn phí cho nông dân. Qua ứng dụng, nông dân có thể đánh giá môi trường của cá, bao gồm nhiệt độ nước, độ pH, sự hiện diện của động vật ăn thịt, cũng như hành vi, sức khỏe và dinh dưỡng của cá. Nông dân sẽ gửi phép tính của họ và nhận phản hồi dựa trên điểm số để xác định các cơ hội cải tiến môi trường sống của cá.
Ông nói: “Các biện pháp phúc lợi tốt phải đi kèm với tình hình đôi bên cùng có lợi cho người nông dân và mang lại cho họ năng suất tốt hơn, chất lượng cá tốt hơn, ít tác động đến môi trường hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn”.
Ứng dụng được tích hợp tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Thái và tiếng Trung Quốc, đến tháng 7 năm 2023, FAI’s Carp Welfare App và Shrimp Welfare App của FAI cũng sẽ được cung cấp miễn phí cho người nuôi.
Quintiliano hy vọng rằng tiêu chí này sẽ được công nhận như một phương pháp tiêu chuẩn để nông dân có thể kiểm tra môi trường sống của cá một cách hiệu quả.
3. Tạo môi trường lành mạnh nhằm nâng cao phúc lợi cho tôm
Anton Immink, Giám đốc điều hành của ThinkAqua ở Stirling, Scotland, cho biết việc cải thiện các hoạt động phúc lợi nuôi trồng thủy sản một phần được thúc đẩy bởi các nhà bán lẻ. Tổ chức phi lợi nhuận của ông gần đây đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Dự án Phúc lợi Tôm để giới thiệu những nỗ lực cải thiện phúc lợi tôm ở Đông Java, Indonesia.
Ông lưu ý: “Trong nhiều năm, chúng tôi đã nhận thấy sự tập trung vào phúc lợi cá hồi, đặc biệt là đối với người tiêu dùng châu Âu”. “Các nhà bán lẻ như Marks & Spencer và Tesco đã đưa ra cam kết về các tiêu chuẩn phúc lợi cao cho loài này khi tìm nguồn cung ứng của họ. Nhưng bây giờ họ muốn thêm những tiêu chuẩn đó vào tất cả các nguồn cung ứng của mình.”
Immink cho biết ngoài yếu tố nhân đạo, việc thực hiện phúc lợi tốt cũng sẽ tối đa hóa năng suất và mang lại lợi ích cho ngành tôm.
Theo Immink: “Nếu nông dân giải quyết được vấn đề về dịch bệnh và chất lượng nước thì họ sẽ có những vụ mùa tốt hơn”. “Và vào thời điểm thu hoạch, người nuôi giết mổ nhân đạo sẽ có được sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Đối với người nuôi tôm, tôm được nuôi trong môi trường lành mạnh sẽ có sản lượng ổn định hơn”.
Thông qua Biên bản ghi nhớ, hai tổ chức đang hợp tác trong Dự án Cải thiện Tôm (SIP) mở rộng (do Konservasi Indonesia và Tổ chức Bảo tồn Quốc tế chủ trì) đã nhận được tài trợ từ Quỹ Walmart. Dự án SIP đang hợp tác với các cơ quan chính quyền địa phương như Câu lạc bộ Tôm Indonesia và các hộ nông dân nhỏ độc lập ở Banyuwangi.
Mục tiêu hợp tác là thu hút nông dân tham gia vào các biện pháp cải tiến nhằm nâng cao phúc lợi cho tôm, cải thiện tính bền vững của trang trại nuôi tôm. Chất lượng nước bên trong ao sẽ được kiểm tra để đảm bảo sức khỏe tốt cho tôm. Đồng thời SIP sẽ cung cấp dịch vụ chẩn đoán tại địa phương cho phép nông dân xử lý mẫu tôm của họ và phát hiện bệnh của tôm chỉ trong vòng một ngày.
ThinkAqua và SWP hy vọng sẽ thuyết phục các nhà chế biến tôm thông qua những lợi ích khoa học của việc không cắt bỏ mắt và giúp họ tiếp cận đến công nghệ liên quan giết mổ nhân đạo và mối tương quan của việc này với chất lượng của tôm.
Immink nói: “Đối với người tiêu dùng, đây là một đề xuất mang lại cảm giác dễ chịu và đồng thời mang đến một sản phẩm tốt hơn. Đối với nông dân, thực hiện phúc lợi tốt tương đương với việc quản lý trang trại nuôi tôm tốt hơn. Tuy nhiên, nông dân đang chịu áp lực phải tối đa hóa sản lượng thu hoạch của mình, vì vậy rất khó để thuyết phục họ dành thời gian và công sức để có được chu kỳ sản xuất tốt hơn.
Ông hy vọng rằng kết quả từ Banyuwangi sẽ khuyến khích các hộ nông dân nhỏ, ngành công nghiệp và chính phủ nước khác theo đuổi những thay đổi nhằm tạo ra nhiều trại nuôi tôm lành mạnh, có năng suất ổn định và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư”.
Theo Global Seafood