Suy xét về nuôi tôm công nghiệp kết hợp công nghệ cao
Mô hình nuôi tôm công nghiệp không còn quá xa lạ với người trong nghề, tuy nhiên nuôi tôm công nghiệp kết hợp công nghệ cao mang đến lợi ích không phải ai cũng biết.
Hiểu rõ nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Trước tiên, cần phải biết, nuôi tôm công nghiệp hay còn gọi là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không phải là hình thức nuôi công nghệ cao như nhiều người vẫn thường nghĩ. Nuôi tôm công nghiệp là nuôi trong bể tròn lót bạt đáy và bao bọc xung quanh, trên bề mặt đất, được đặt trong nhà kính, với hình thức nuôi này thường được áp dụng nuôi 2 giai đoạn. Bể sâu trên 1,2m thì thả nuôi với mật độ tôm từ 45-60 con/m2, bể sâu 1,4m trở lên thường thả tôm với mật độ từ 200-250 con/m2.
Hiện nay, nuôi tôm công nghiệp đang được áp dụng rộng rãi trên khắp các địa phương ven biển. Đây là hình thức giúp người nuôi quản lý tốt việc cung cấp đầu vào như nguồn nước, oxy trong bể, kiểm soát lượng thức ăn, xiphong, các yếu tố môi trường nước, hạn chế tác động khách quan do biến đổi thời tiết,… nên tôm tăng trưởng tốt, năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Song, vấn đề lớn mà mô hình này phải đối mặt chính là việc mật độ quá dày, nếu không có trình độ quản lý, kỹ thuật cao dễ gây thất thoát lớn trong quá trình nuôi, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Cục thú y, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là 15.698 ha, chiếm khoảng 2,2% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước và chiếm 96,6% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại.
Đứng trước thách thức do dịch bệnh, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm nhiều mô hình nuôi tôm kết hợp. Song, ở mỗi mô hình lại có những ưu, nhược điểm riêng. Trong đó, phải nói đến mô hình được cho là nổi trội- nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Thực tế đã chứng minh, đã có nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cách nuôi và thu về kết quả khả quan.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đã được triển khai trên nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Ảnh Tepbac.
Nuôi tôm công nghệ cao: Tính hai mặt của vấn đề
Nhược điểm lớn nhất và cũng có thể được coi là duy nhất của mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu không nhỏ, làm cho người nông dân “ngán” đổ tiền một lần. Tuy nhiên, hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường mang lại khá lớn.
Đầu tiên, năng suất ổn định và cao từ bốn đến năm lần so với mô hình nuôi tôm thâm canh theo phương pháp truyền thống. Việc quản lý tốt chỉ số nước trong ao nuôi thông qua máy đo môi trường tự động, hệ thống quản lý từ xa tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng và phát triển nhanh, nâng cao tỷ lệ sống, tôm phát triển đồng đều, được giá.
Thứ hai, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trên tôm. Sử dụng ao bạt giúp ngăn được mầm bệnh trong đất, khắt khe từ khâu lấy nước, xử lý đến hệ thống nước tuần hoàn khép kín, dễ quản lý dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi, giải quyết khó khăn tồn đọng trong ngành nuôi tôm.
Thứ ba, nếu nuôi theo phương pháp truyền thống thì mỗi năm chỉ nuôi được từ một đến ba vụ, tuy nhiên khi áp dụng mô hình này, người dân có thể nuôi liên tục quanh năm (từ ba đến bốn vụ), thời gian nuôi ngắn, từ 2,5 đến 3 tháng, vừa gia tăng sản lượng, vừa gia tăng số vụ trong năm.
Thứ tư, nuôi tôm công nghệ cao giúp người dân chủ động hoàn toàn trong việc nuôi tôm, không bị phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết và mùa vụ, nhất là những vùng bị xâm nhập mặn hoặc mưa nhiều làm ngọt hóa nguồn nước.
Tóm lại, khi so sánh số tiền bỏ ra một lần với thời gian sử dụng tính bằng năm và những lợi ích như trên thì việc chuyển đổi mô hình nuôi truyền thống sang nuôi công nghiệp công nghệ cao là hoàn toàn xứng đáng.