TIN THỦY SẢN

Tác động của biến đổi khí hậu đến nuôi trồng thuỷ sản ven biển

Ảnh minh họa Ngọc Thúy

Theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, trong 10 năm qua (2001-2011), sản lượng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã tăng 4 lần - từ hơn 700 nghìn tấn lên khoảng 3 triệu tấn, với tốc độ tăng bình quân 15,7%/năm. Trong đó, sản lượng NTTS ven biển (mặn, lợ) chiếm gần 30%. Tuy nhiên, hoạt động này thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra, các biểu hiện như nước biển dâng, nhiệt độ tăng, bão lũ, sóng lớn, triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên NTTS (ở dạng đơn lẻ hay kết hợp) gây nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội cho cộng đồng người nuôi.

Nuôi trồng thủy sản ven biển

Tại Việt Nam, rất nhiều mô hình NTTS ven biển đã được phát triển cho từng nhóm đối tượng có đặc tính phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của từng vùng. Toàn quốc có 6 vùng nuôi chính: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng trọng điểm phát triển NTTS ven biển. Đây cũng là một trong ba vùng sản xuất giống phục vụ NTTS cả nước (cùng với Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL).

Về đối tượng NTTS ven biển, có 4 nhóm chính là: giáp xác, nhuyễn thể, cá biển và thực vật thủy sinh. Nhóm giáp xác chủ yếu là tôm, cua; Nhóm nhuyễn thể chủ yếu là ngao, hàu, tu hài, ốc hương; Nhóm cá biển và cá nước lợ có cá giò, cá mú, cá vược, cá bớp, rô phi; Nhóm thực vật thủy sinh chủ yếu là rong câu, rong mơ và rong sụn... Cho đến nay, tôm nước lợ vẫn là đối tượng nuôi chủ lực trong lĩnh vực NTTS ven biển và tiếp tục là đối tượng nuôi chủ lực của ngành theo Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tổng diện tích mặt nước mặn, lợ Việt Nam có thể khai thác là 1,44 triệu ha, nhưng hiện mới khai thác được một nửa - 0,7 triệu ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm 88,5% với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Tại các tỉnh ven biển, tôm sú được nuôi theo các mô hình quảng canh, bán thâm canh và thâm canh tại các vùng hạ triều, trung triều và cao triều. Ngoài ra, tôm sú còn được nuôi xen rừng ngập mặn, nuôi luân canh (tôm-rong câu) hay nuôi xen tôm-lúa, kết hợp tôm cua ghẹ, cá nước lợ… Riêng tôm thẻ chân trắng, mặc dù mới được nuôi rộng rãi khoảng 5 năm lại đây nhưng đã trở thành một trong những đối tượng chủ lực có thể thay thế tôm sú bản địa ở nhiều vùng ven biển (có dấu hiệu suy giảm chất lượng môi trường). Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi thâm canh hoặc nuôi ở quy mô công nghiệp trên các vùng cao triều - nơi có thể quản lí được các yếu tố môi trường.

Tác động của BĐKH

Trong các hoạt động NTTS ven biển thì nuôi tôm nước lợ chịu nhiều bất lợi do BĐKH gây ra. Ngược lại, một số hình thức nuôi tôm cũng đã và đang làm tăng phát thải khí nhà kính (như: nuôi bán thâm canh, thâm canh, hoặc nuôi ở quy mô công nghiệp). Những hình thức nuôi có khả năng làm giảm phát thải khí nhà kính, như: nuôi tôm cua xen rừng ngập mặn, nuôi tôm xen rong câu, nuôi kết hợp cá nước lợ, cua ghẹ, nuôi luân canh tôm - rong câu... Như vậy, để thích ứng với BĐKH, cần xác định các tác động của BĐKH và tình trạng thực tế, từ đó xây dựng giải pháp đặc thù cho từng mô hình nuôi nhằm dần dần thích ứng với những điều kiện bất lợi do BĐKH gây ra.

Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ do đặc thù địa hình và điều kiện tự nhiên, là vùng thường xuyên phải chịu tác động bất lợi của thời tiết và khí hậu, như hạn hán, bão, lũ lụt, gió Tây Nam khô nóng, nước biển dâng, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa… gây ảnh hưởng đến NTTS trong vùng. Khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ mùa hè tăng từ 1,4-1,8oC (giữa thế kỉ 21) lên 3,1-3,7oC (cuối thế kỉ 21). Mức tăng nhiệt độ này bắt đầu vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái và gây ra nhiều tác động nghiêm trọng cho sự sinh trưởng của các đối tượng NTTS. Vào mùa mưa, lượng mưa tăng mạnh đã gây lũ lụt, nhưng đến mùa khô thì không có mưa, gây hạn hán. Mức nước biển khu vực Hòn Dấu - Đèo Ngang được dự đoán là dâng thêm 20-24cm (năm 2050) và 49-65cm (năm 2100). Lượng mưa thay đổi cũng làm thay đổi độ mặn và dòng chảy của các sông và cửa sông chính. Mặc dù vùng Bắc Trung Bộ có hệ thống đê ven biển nhưng vẫn bị ảnh hưởng về diện tích NTTS trong và ngoài đê (thu hẹp hoặc mở rộng). Chính vì vậy, hoạt động NTTS của khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo là sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực của BĐKH.

Các tác động bất lợi và tiêu cực này nếu không có biện pháp can thiệp, sẽ đe dọa các mục tiêu tăng trưởng bền vững của ngành thủy sản. Một số nghiên cứu đã cho thấy, BĐKH có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến NTTS thông qua nguồn nước, diện tích nuôi, môi trường nuôi, con giống, dịch bệnh… và qua đó gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và cơ sở hạ tầng của các vùng NTTS nói chung và NTTS ven biển nói riêng. Các hiện tượng thời tiết bất thường như bão lũ, hạn hán, nắng nóng hoặc giá rét kéo dài có thể tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức đề kháng của các đối tượng nuôi, gây bùng phát dịch bệnh.

Công tác dự báo tác động của BĐKH

Việc dự báo các tác động tiềm tàng này là hết sức cần thiết. Vì qua đó, sẽ đánh giá được tính khả thi của các định hướng phát triển ngành, xây dựng được các giải pháp và hoạt động thích ứng cũng như làm cơ sở để xây dựng các mô hình thử nghiệm hiệu quả. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá đầy đủ về tác động tiềm tàng của BĐKH lên diện tích, năng suất, sản lượng và cơ sở hạ tầng trong NTTS; mới chỉ có một số nghiên cứu tác động của BĐKH đối với NTTS ven biển (được thực hiện tại ĐBSCL, chưa có nghiên cứu tại khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ). Nghiên cứu của Kam và các cộng sự (2010) ở ĐBSCL cho thấy, nếu không có giải pháp thích ứng BĐKH, thu nhập của các hộ nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 và các hộ nuôi tôm có thể giảm 130 triệu đồng/ha vào năm 2020 và giảm 950 triệu đồng/ha vào năm 2050.

Trong nuôi tôm, chi phí thích ứng BĐKH được dự đoán có thể tăng cao, do sự gia tăng chi phí bơm/tháo nước tại các đầm nuôi. Chi phí này chiếm khoảng 2,4% tổng chi phí/năm (giai đoạn 2010-2050). Đây là nghiên cứu đánh giá ở khía cạnh kinh tế của BĐKH ở quy mô cấp gia đình, chưa đánh giá tác động của BĐKH lên diện tích, năng suất, sản lượng và cơ sở hạ tầng tại các vùng NTTS, đặc biệt là vùng NTTS nước lợ, cũng như chưa đánh giá tác động đến năng suất và sản lượng của các đối tượng chủ lực.

Trong một nghiên cứu, thực hiện tại một xã ven biển Phước Thuận (Tuy Phước, Bình Định), kết quả là: 41% dân cư xã có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi BĐKH, trong đó 10% bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt vào năm 2100 với thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa đánh giá kĩ tác động ở lĩnh vực NTTS. Trong một nghiên cứu khác - tác động của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp và thủy sản, nhóm tác giả xây dựng mô hình hồi quy mô tả sự tương quan giữa năng suất, sản lượng tôm nuôi trong giai đoạn 1995-2009 với các yếu tố tác động là nhiệt độ và lượng mưa, nhưng không loại trừ các yếu tố chính ảnh hưởng đến năng suất NTTS (như: chất lượng giống, kỹ thuật nuôi, ô nhiễm môi trường). Vì vậy, kết quả này cũng chưa đáng tin cậy.

Năm 2012, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã thực hiện dự án "Điều tra, đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương với BĐKH làm cơ sở xây dựng các chính sách và hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho các vùng chịu tác động của BĐKH". Qua đó, xác định vùng ven biển là vùng bị tổn thương cao và cộng đồng những người NTTS ven biển quy mô nhỏ là một trong những đối tượng nhạy cảm nhất với BĐKH cả về mặt kinh tế, xã hội và năng lực thích ứng. Tháng 1/2013, trong một công bố của Tổ chức DARA International về tính dễ bị tổn thương với BĐKH, Việt Nam được xếp ở mức báo động đỏ, là nước đứng đầu danh sách về mức thiệt hại thủy sản do BĐKH. Theo đó, ngành thủy sản bị thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD năm 2010 và mức thiệt hại này sẽ tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030.

Nhìn chung, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, các tác động của BĐKH lên NTTS nói chung và NTTS ven biển nói riêng có thể được giảm nhẹ thông qua các biện pháp thích ứng hiệu quả của người nuôi và các tổ chức cộng đồng. Cụ thể là quản lí trang trại hiệu quả, sử dụng hợp lí các nguồn thức ăn và năng lượng trong hoạt động nuôi, thực hiện chuyển dịch mùa vụ, né vụ theo lịch của các cơ quan quản lí ban hành để thích ứng với diễn biến bất lợi của thời tiết, giảm thiểu khí nhà kính từ hoạt động NTTS.

Một số nguyên nhân gây cản trở người nuôi tham gia hoạt động ứng phó BĐKH

Do thiếu thông tin dẫn đến hạn chế về nhận thức. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất thấp… Để người NTTS thấy được lợi ích và trách nhiệm trong hoạt động ứng phó BĐKH, ngoài các hoạt động thông tin tuyên truyền, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng một số mô hình NTTS ven biển để người nuôi có thể tiếp cận trực quan và tự điều chỉnh các hoạt động sản xuất sao cho phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng nuôi và gia đình.

Đồng thời, cần phải có những đánh giá mang tính dự báo về tác động tiềm tàng của BĐKH lên hệ thống cơ sở hạ tầng, diện tích, năng suất, sản lượng NTTS ven biển. Các mô hình thử nghiệm sẽ kiểm chứng tính hiệu quả của các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH tại các hệ thống NTTS ven biển. Từ đó, nhân rộng trong thực tiễn. Về phía người nuôi, sẽ chuyển từ nhận thức sang hành động - thực hành, học hỏi những biện pháp kỹ thuật cụ thể trong quá trình sản xuất và quản lí trang trại giúp giảm thiểu khí nhà kính, thích ứng tốt với BĐKH, phát triển NTTS ven biển bền vững.

Ngọc Thúy Theo VIFEP/Tổng cục thủy sản, 15/01/2014