TIN THỦY SẢN

Tái cấu trúc doanh nghiệp và sự phát triển bền vững xuất khẩu thủy sản

Lê Hằng

Tái cấu trúc DN và sự phát triển bền vững ngành thủy sản là 2 vấn đề nổi bật được đề cập nhiều nhất tại Hội nghị Toàn thể hội viên VASEP năm 2012. Hội nghị diễn ra ngày 12/6/2012 tại Tp Hồ Chí Minh với sự tham dự của hơn 200 hội viên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Tổng cục Hải quan, đại diện Tổng cục Môi trường, Đại diện Cục Chế biến Thương mại Nông Lâm Thủy sản và nghề muối, Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ XNK Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý và báo chí.

Sau khi nghe Báo cáo tình hình hoạt động của Hiệp hội năm 2011, 5 tháng 2012 và phương hướng hoạt động của năm 2012 & 2013, các ý kiến phát biểu hầu hết xoay quanh ý tưởng tái cơ cấu doanh nghiệp thủy sản, sau một thời gian phát triển nóng dẫn đến tình trạng mất ổn định và phát triển thiếu bền vững.

Tái cấu trúc vì sự phát triển bền vững

Tại hội nghị có hơn một nửa số ý kiến tập trung vào vấn đề tái cấu trúc Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của ngành XK thủy sản.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, ngành tôm và cá tra Việt Nam phát triển thần kỳ nhiều năm qua, nhưng phát triển bền vững đang là vấn đề của ngành. Nhiều DN khó khăn về vốn do đầu tư sai mục đích. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN phát triển tốt vì tập trung đúng và hiệu quả vào ngành. Top các DN lớn chiếm  tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị XK thủy sản: top 20 DN tôm chiếm 67% giá trị XK tôm, top 20 DN cá tra chiếm 66% doanh số. Vì vậy, cần xem xét đánh giá đúng hiện trạng của ngành XK thủy sản để xác định: doanh số 6,5 tỷ USD quan trọng hay cần tái cấu trúc vì sự phát triển bền vững quan trọng hơn?

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP đánh giá,sự phát triển về lượng theo chiều rộng với tốc độ nhanh trong những năm qua dẫn đến hậu quả liên quan đến vấn đề về chất theo chiều sâu. Trên thế giới vấn đề tái cấu trúc đối với các DN là việc làm thường xuyên theo chu kỳ 7- 9 năm/lần, các DN hàng đầu thế giới đều tiến hành tái cấu trúc. Thực tế ở Việt Nam 4 năm gần đây, quá trình tái cấu trúc đã và đang thể hiện rõ. Hiện số DN chế biến có vùng nuôi tăng từng ngày: số DN cá tra tự nuôi để cung ứng trên ½ sản lượng, DN tôm có vài trăm ha – vài nghìn ha nuôi đang tăng lên; DN hải sản đầu tư vào các đội tàu cũng nhiều hơn… Vì vậy, nên nhìn rộng hơn toàn bộ chuỗi giá trị để đầu tư. Kinh nghiệm của Na Uy cho thấy, những DN hàng đầu của Na Uy về cá hồi đều có từ chuỗi sản xuất từ A – Z. Từ 860 công ty cá hồi hiện giờ Na Uy chỉ còn hơn 10 công ty.

Thách thức nhiều nhất chính là thay đổi con người: những người chủ và đội ngũ làm việc trong DN. Đặc biệt, rất cần sự thay đổi về tư duy và cách làm của hệ thống quản lý nhà nước. Trình độ và tính chuyên nghiệp của các cơ quan quản lý cũng cần được nâng cấp. Vấn đề tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, bộ phận DN là chủ lực nhưng rất cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Danh dự VASEP, mặc dù khó khăn nhưng thực tế DN thuỷ sản vẫn đang hoạt động, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, hiện đang sắp xếp tổ chức để thích nghi với sự thay đổi của thị trường thế giới và trong nước. Hiện tượng số DN XK giảm chỉ là quy luật, các DN sáp nhập lại không phải là đáng buồn, thậm chí coi đó là xu thế tốt.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên cũng đồng ý rằng, số DN thủy sản giảm mạnh là quá trình sàng lọc và đào thải, vì nhiều DN tham gia với tính chất thời vụ, không có chiều sâu làm giảm khả năng cạnh tranh.

Những yếu tố cho sự phát triển bền vững    

 Liên quan đến sự phát triển bền vững ngành thủy sản, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh yếu tố tái cấu trúc DN, các vấn đề khác như cơ cấu sản phẩm, cơ cấu vốn và cơ cấu chính đội ngũ quản lý DN, vấn đề chất lượng thủy sản, sự hợp tác đồng lòng trong cộng đồng DN, hợp tác với các đối tác trong chuỗi sản xuất và XK và vai trò hỗ trợ của nhà nước là những yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển trước mắt và lâu dài .

Để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững và hỗ trợ cho vấn đề tái cơ cấu ngành XK thủy sản, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước vô cùng quan trọng. Các đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng những bất cập từ các chính sách quản lý và kiểm soát của nhà nước hiện nay, cùng với sự chậm trễ trong việc xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN dẫn đến sự tổn thất đáng kể về tài chính và thời gian của DN, làm giảm sức cạnh tranh của DN cũng như của sản phẩm thủy sản XK của Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cũng đồng ý,phía các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thay đổi rất nhiều trong cách thức và quy trình làm việc. Ông ghi nhận những bức xúc và phản ánh của các DN và khẳng định sẽ xử lý những vấn đề trong phạm vi của Tổng cục Thủy sản.

Lê Hằng vasep.com.vn