TIN THỦY SẢN

Tái cơ cấu: Động lực mới cho ngành thủy sản

Theo nội dung tái cơ cấu, đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 4,5 triệu tấn. Ảnh: Trần Việt Uyển Như

Thủy sản đã và đang là ngành hàng XK chủ lực trong hệ thống các ngành hàng nông nghiệp của Việt Nam. Thời gian tới, ngành đặt ra định hướng sẽ triển khai tái cơ cấu mạnh mẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị XK đạt trên 6%/năm.

Nhiều triển vọng

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, ngành thủy sản phát triển khá mạnh mẽ, sản lượng thu hoạch cũng như giá trị XK không ngừng tăng lên, đóng góp lớn vào giá trị XK ngành nông nghiệp nói chung. Cụ thể, nếu năm 2001, Việt Nam mới XK 375.500 tấn thủy sản, thu về 1,78 tỷ USD thì đến năm 2013 đã XK hơn 1,5 triệu tấn và đạt kim ngạch gần 7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,93%/năm. Hiện, cả nước có 587 nhà máy chế biến thủy sản XK đang hoạt động với tổng công suất 12.516 tấn/ngày, cao gấp 4 lần so với cách đây 10 năm. Thủy sản Việt Nam cũng đã được XK đến 165 thị trường, trong đó 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản chiếm khoảng 60% tổng giá trị kim ngạch.

Ngay trong 2 tháng đầu năm 2014,  thủy sản vẫn vững vàng tăng trưởng với giá trị XK tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực như cao su, cà phê, chè, gạo… liên tục sụt giảm.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Mặc dù mặt hàng cá tra đối mặt với một số khó khăn ngay từ đầu năm nhưng xét tổng thể, 2014 vẫn sẽ là một năm nhiều triển vọng với ngành thủy sản. Đó là bởi, thị trường EU đã dần hồi phục, hứa hẹn kim ngạch NK thủy sản tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng thị phần ở các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á…

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Tổng cục Thủy sản): Mặc dù giàu tiềm năng nhưng ngành thủy sản Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu cố hữu. Đó là chưa xây dựng được thương hiệu; chất lượng thức ăn, thuốc kháng sinh, hóa chất chưa được kiểm soát; chất lượng giống thủy sản chưa đảm bảo… Bên cạnh đó, mối liên kết giữa khâu chế biến và sản xuất còn đứt đoạn. Tình trạng nội bộ các DN chế biến cạnh tranh lẫn nhau khiến giá thành cũng như uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam giảm sút.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Nhiều chuyên gia cho rằng, để khắc phục những điểm yếu, dần giúp ngành thủy sản phát triển ổn định, cần nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu với những bước đột phá trong khâu chế biến. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngay từ năm 2013, ngành đã xây dựng, trình Bộ NN&PTNT đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, ngành tập trung tái cơ cấu một số lĩnh vực như: Khai thác thủy sản, đến năm 2020 sản lượng khai thác giữ mức 2,4 đến 2,6 triệu tấn. Giảm tổn thất sau thu hoạch từ trên 20% xuống còn dưới 10%. Giảm số lượng tàu khai thác hải sản xuống còn 110.000 chiếc...

“Đặc biệt, ngành dự kiến tạo chuyển biến mạnh mẽ trong khâu chế biến bằng việc giảm mạnh chế biến thô, tập trung đa dạng hóa phát triển sản phẩm mới và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng; tăng cường quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP tại các cơ sở chế biến thủy sản; xây dựng thương hiệu, giữ vững cơ cấu thị trường EU 21%, Nhật 20%, Mỹ 19%, Trung quốc và các thị trường khác 40%”, ông Điền nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu trên, ngành thủy sản sẽ thực hiện đồng bộ những giải pháp về quy hoạch, tổ chức, đầu tư, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và hợp tác quốc tế. Cụ thể, ngành sẽ tăng tỷ trọng đầu tư công, đầu tư cho thủy sản giai đoạn 2011-2015 đạt trên 7% và giai đoạn 2016-2020 đạt trên 10% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành NN&PTNT. Bộ NN&PTNT cũng sẽ triển khai các chính sách đồng bộ chuyển đổi cơ cấu gần bờ ra xa bờ; khuyến khích khai thác hải sản xa bờ; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển; khuyến khích chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ mới trong khai thác hải sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản,…

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng được tính đến là giữ vững cơ cấu các thị trường truyền thống ở mức 60%, tiếp tục mở rộng các thị trường mới; thực hiện xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, phát triển thị trường nội địa. Cùng với đó, ngành sẽ tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư, các nguồn tài trợ, viện trợ; mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đưa được nhiều tàu cá, thuyền viên đi khai thác ở các nước và các vùng lãnh thổ; tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thương mại, các vướng mắc trong XK thủy sản. 

Mục tiêu đặt trong tái cơ cấu ngành thủy sản là duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm, trong đó giá trị khai thác thủy sản trên 3%/năm; giá trị nuôi trồng thủy sản trên 8%/năm; giá trị XK thủy sản trên 6%/năm. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cộng đồng ngư dân ven biển, đến năm 2020, thu nhập bình quân lao động cao gấp 2,5 lần so với năm 2010.

Uyển Như Báo Hải Quan, 23/03/2014