TIN THỦY SẢN

Tân Nghĩa (Lâm Đồng): Nuôi cá lồng bè trên hồ thủy điện Đồng Nai 2

Anh Thiên nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Đồng Nai 2 Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng

Qua giới thiệu và dẫn đường của khuyến nông viên xã Tân Nghĩa, chúng tôi tìm đến địa điểm nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 của nông hộ Nguyễn Văn Thiên ở thôn Gia Bắc 2, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh.

Để vào được vị trí lồng nuôi của anh Thiên, chúng tôi phải đi bằng một chiếc thuyển nhỏ. Vào tới nơi thì gặp đúng thời điểm anh Thiên đang cho đàn cá ăn. Bên tách trà nóng, anh Thiên tâm sự, anh sinh năm 1970, quê ở Nam Định. Đầu năm 1995 anh cùng gia đình vào xã Tân Nghĩa này để lập nghiệp. Nhận thấy khí hậu và đất đai ở đây phù hợp cho sự phát triển của cây cà phê nên anh quyết định mua 5 ha đất để trồng và canh tác nhằm mưu sinh cuộc sống gia đình. Vào đầu năm 2013, anh nhận thấy nguồn nước trên hồ thủy điện Đồng Nai 2 trong, sạch quanh năm đã gợi cho anh ý tưởng đầu tư  nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện để tạo thêm thu nhập cuộc sống. Sau nhiều lần khảo sát vị trí, kiểm tra, xem xét nguồn nước và bàn bạc cùng gia đình, tháng 7/2013 anh quyết định mua lưới và trang thiết bị để xây dựng 4 lồng nuôi thử nghiệm các đối tượng cá rô phi và điêu hồng.

Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi cá, việc xử lý cá giống còn lúng túng chưa đúng kỹ thuật do đó số cá mới nuôi chưa được 10 ngày đã chết hết. Không dừng lại ở đó anh bắt đầu học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá ở nhiều nơi, và quyết định mua thêm cá giống về thả nuôi tiếp. Tuy nhiên, lần này cũng giống như lần trước, số cá mới thả cũng chết không rõ nguyên nhân. Không nản chí anh quyết định xuống tận Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm từ những người dân trực tiếp nuôi cá. Anh lại tiếp tục mua giống về thả, rút kinh nghiệm từ những lần nuôi trước và áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã học được nên lần này đàn cá của anh đã thích nghi và phát triển tương đối tốt. Cũng trong thời gian này anh tranh thủ tìm tòi và học hỏi thêm về phương pháp phòng trị bệnh cho cá, cách thiết kế và đặt lồng nuôi sao cho phù hợp. Với sự quyết tâm, tinh thần chịu khó, miệt mài nghiên cứu, học hỏi anh đã đưa đàn cá của gia đình phát triển tốt và cho lứa cá thương phẩm đầu tiên.

Sau khi nuôi thành công, anh quyết định mua giống và đầu tư thêm trang thiết bị để tăng thêm số lượng lồng nuôi. Ngoài các đối tượng cá điêu hồng và cá rô phi anh còn nuôi thêm các đối tượng như cá trắm cỏ, cá chép và cá mè. Bằng những kinh nghiệm tích lũy và kiến thức vốn có mà các đợt nuôi tiếp theo đã đem lại hiệu quả và năng suất cao. Đến nay số lồng nuôi của gia đình anh lên tới 30 lồng.

Anh cho biết số cá thương phẩm anh không bán cho các thương lái mà được anh trực tiếp giao tận nơi cho các chợ trên địa bàn huyện Di Linh và Bảo Lâm. Mỗi năm gia đình anh nuôi 2 vụ, mỗi vụ cho tổng sản lượng khoảng 75 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng/vụ nuôi.

Trong năm 2016 anh dự tính sẽ tăng thêm lồng nuôi và đưa một số giống mới về nuôi thử nghiệm như cá lăng, cá chình và một số đối tượng khác. Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế gia đình anh Thiên còn là người nhiệt tình, cởi mở và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật nuôi cũng như cách thiết kế, đặt lồng nuôi cho nhiều người dân đang tìm hiểu và muốn phát triển nuôi cá lồng trên thủy điện. Với sự nhiệt tình và sự hướng dẫn tận tụy chu đáo của anh Thiên mà đến nay đã có thêm 6 hộ nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2.

Là một người nông dân năng động, cần cù sáng tạo, dám nghĩ dám làm, những thành quả đạt được như hôm nay của anh Nguyễn Văn Thiên thật đáng trân trọng. Anh xứng đáng là tấm gương điển hình cho nhiều người trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương nói chung và là tấm gương đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Nghĩa nói riêng.

Nguyễn Văn Thành - Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng Khuyến Nông Việt Nam, 22/04/2016