Tăng năng lực sản xuất giống tôm càng xanh
Tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá phổ biến ở miền Nam, đặc biệt là ĐBSCL. Tuy nhiên, khả năng cung cấp giống còn thiếu và chất lượng con giống chưa được quan tâm đúng mức, đó là những trở ngại để phát triển đối tượng này hơn nữa.
Chú trọng phát triển
Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) là loài thủy sản thích hợp với môi trường nước ngọt nhưng được thuần hóa đưa về nuôi vùng nước lợ và sinh trưởng tốt. Theo kinh nghiệm của nông dân, ưu điểm vượt trội của tôm càng xanh so với tôm sú, tôm thẻ chân trắng là dễ nuôi, mau lớn, ít bị dịch bệnh và thích ứng nhanh với môi trường, nguồn nước. Đặc biệt tôm càng xanh rất thích hợp trong các mô hình xen canh với các loại cây trồng vật nuôi khác, cho hiệu quả về kinh tế và môi trường sinh thái. Chính vì vậy, những năm gần đây, phong trào nuôi tôm càng xanh phát triển khá nhanh ở nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau…
Đơn cử như tỉnh Trà Vinh, mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa và trong ao tôm sú đã được Sở NN&PTNT tỉnh thực nghiệm và khuyến khích nông dân thực hiện rất thành công từ 5 năm nay. Hiệu quả nhất là mô hình nuôi tôm càng xanh vùng nước lợ thay thế cho một vụ nuôi tôm sú vào mùa mưa, giúp nông dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm rủi ro, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo ghi nhận, vụ nuôi tôm càng xanh năm 2017, Trà Vinh có hơn 2.100 lượt hộ thả nuôi trên 60 triệu con giống trên diện tích hơn 1.700 ha mặt nước; tổng sản lượng thu hoạch ước trên 1.410 tấn, tăng hơn 700 tấn so năm 2016.
Hay như Đồng Tháp, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, năm 2013 diện tích nuôi tôm càng xanh của địa phương đạt cao nhất với hơn 1.133 ha, sản lượng hơn 1.000 tấn. Tuy nhiên, năm 2017 giảm xuống chỉ còn 248 ha, sản lượng trên 77 tấn. Tuy nhiên, hiện Đồng Tháp đang đặt mục tiêu quy hoạch lại diện tích nuôi tôm càng xanh đến năm 2020 là 6.000 ha; sản lượng 9.600 tấn, lượng tôm giống hơn 1 tỷ con; tập trung nuôi ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò và thị xã Hồng Ngự.
Hạn chế về giống
Tôm càng xanh được nuôi chủ yếu ở các tỉnh phía Nam trong mùa nước nổi, ngoài ra một số tỉnh phía Bắc có nuôi nhưng không nhiều. Sản xuất giống tôm càng xanh chủ yếu ở phía Nam. Năm 2006 có 43 trại với sản lượng giống là 33,5 triệu con giống; Năm 2007 có 47 trại, sản lượng giống 48 triệu con; Năm 2008 có 46 trại, sản lượng giống đạt 140,3 triệu con; Năm 2009 có 47 trại, số giống sản xuất được 181,4 triệu con; Năm 2010 có 52 trại, số giống sản xuất được 252 triệu con và năm 2017, tổng sản lượng giống tôm càng xanh gần 1,8 tỷ con.
Tôm giống sản xuất tại các tỉnh phía Nam nhìn chung có chất lượng tốt, nuôi nhanh lớn, kích cỡ lớn nhưng sản xuất không đủ cho nhu cầu vì công nghệ chưa ổn định, sản xuất theo thời vụ không hoạt động được quanh năm nên hiệu quả kinh tế không cao. Rất ít cơ sở đầu tư vào sản xuất giống nên năm nào cũng thiếu giống. Năng lực sản xuất giống của các trại chỉ đáp ứng được 30 - 40% nhu cầu. Điều này cho thấy, công tác nghiên cứu chọn giống cũng như quy trình, công nghệ công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh còn hạn chế.
Hiện nay, phần lớn giống tôm càng xanh được nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới Quảng Ninh sau đó đưa về phía Nam qua Sân bay Tân Sơn Nhất và vận chuyển tới vùng nuôi. Tôm giống nhập nội nuôi chậm lớn, kích cỡ tôm thương phẩm nhỏ, nhiều tôm cái, hiệu quả sản xuất không cao. Nguyên nhân do nguồn tôm bố mẹ của Trung Quốc được nhập từ Đông Nam Á đưa về gia hóa đã nhiều năm trong điều kiện nhân tạo khác xa với môi trường bản địa nên bị thoái hóa. Tôm bố mẹ gia hóa dễ sản xuất giống phù hợp với mục đích của họ là thương mại nên chỉ chú ý tới sản xuất được số lượng nhiều và giá thành thấp để có lãi mà không chú ý đến chất lượng con giống nên người nuôi phải chịu hậu quả. Mặt khác, do vận chuyển đường dài lại qua nhiều khâu trung gian nên tỷ lệ hao hụt lớn, tôm dễ bị sốc và chậm thích nghi với môi trường.
Theo Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020, Bộ NN&PTTN đặt mục tiêu sản lượng giống tôm càng xanh sẽ đạt 2 tỷ con vào năm 2020; đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó 75% giống các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là giống chất lượng, sạch bệnh. Để đạt được mục tiêu này cần có những giải pháp nâng cao tính ổn định của quy trình nhằm đáp ứng sản xuất quy mô hàng hóa. Đồng thời, cần phải tiếp tục đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất tôm càng xanh toàn đực chưa hoàn thiện.
Hiện có nhiều địa phương chú trọng phát triển giống tôm càng xanh, điển hình như An Giang. Năm 2017, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã sản xuất 30 triệu post tôm càng xanh toàn đực, 236 triệu ấu trùng tôm càng xanh. Theo đó, năm 2018 tiếp tục đặt mục tiêu sản xuất 40 triệu post tôm càng xanh toàn đực, 300 triệu ấu trùng tôm càng xanh; góp phần cung cấp nguồn giống tôm càng xanh có chất lượng ổn định cho nông dân trong tỉnh và khu vực.