TIN THỦY SẢN

Tăng sản lượng, không tăng diện tích nuôi tôm

Chế biến tôm xuất khẩu Hình minh họa Hữu Đức

Theo các địa phương nuôi tôm ven biển vùng ĐBSCL, đến nay diện tích thả nuôi tôm trong vùng chiếm trên 536.400ha, tăng 52.300ha so cùng kỳ...

Báo cáo Hội nghị triển khai kế hoạch SX ngành tôm năm 2017 Bộ NN-PTNT tổ chức tại Sóc Trăng mới đây cho thấy, trong những tháng đầu năm 2017, tuy thời tiết không bị mặn xâm nhập tăng cao như cùng kỳ năm 2016 nhưng ở ĐBSCL xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa và biến động nhiệt độ ngày đêm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thả nuôi tôm.  

Xuống giống chậm

Theo các địa phương nuôi tôm ven biển vùng ĐBSCL, đến nay diện tích thả nuôi tôm trong vùng chiếm trên 536.400ha, tăng 52.300ha so cùng kỳ (trong đó tôm sú trên 521.000ha còn lại tôm thẻ chân trắng - TCT trên 14.900ha); đã thả hơn 24,2 tỷ con giống. Sản lượng thu hoạch ước đạt trên 39.400 tấn, ước đạt 120% so với cùng kỳ 2016. Mặc dù sản lượng có tăng nhưng so với khung mùa vụ, kế hoạch xuống giống rất chậm so với kế hoạch. Đến nay diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 5 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang khoảng 19.600ha.

Theo dự báo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2017 ở Nam bộ vẫn tiếp tục xảy ra, dự báo có thể hạn hán bắt đầu muộn vào khoảng tháng 7. Đó là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thả nuôi tôm.

Nhưng trong bối cảnh đó, thị trường tôm thương phẩm đang có giá rất tốt, dự báo lạc quan. Tôm nguyên liệu: TCT loại 100 con/kg giá từ 110.000 - 115.000 đ/kg; loại 70 - 80 con/kg là 135.000 - 145.000 đ/kg; loại 50 - 60 con/kg giá 160.000 - 170.000 đ/kg tùy thuộc vào thời điểm và địa phương. Tôm sú thương phẩm loại 30 con/kg giá từ 235.000 - 240.000 đ/kg; loại 20 con/kg giá 225.000 - 260.000 đ/kg.  

Cần đón cơ hội

Theo kế hoạch năm 2017, cả nước có diện tích nuôi 700.000ha (tôm sú 600.000ha, tôm TCT 100.000ha); sản lượng 660 - 680 ngàn tấn (tôm sú 260.000 tấn, TCT 400.000 tấn); nhu cầu tôm giống 130 tỷ con (100 tỷ TCT và 30 tỷ tôm sú giống). ĐBSCL là vùng nuôi tôm trọng điểm, chiếm hơn 80% diện tích cả nước.

Tuy khó khăn, nhưng từ những bài học kinh nghiệm vượt qua thách thức như năm 2016, TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần tổ chức SX theo khung mùa vụ, tranh thủ điều kiện thời tiết phù hợp, thị trường thuận lợi và tránh bất lợi của hạn mặn; đồng thời ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đổi mới công tác khuyến nông để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí SX và hạn chế rủi ro đối với người nuôi tôm. Đẩy nhanh tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi tôm tiên tiến hạn chế dịch bệnh, triển khai quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: “Chúng ta có kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh tôm trong những năm 2011 - 2012. Các DN nuôi tôm công nghiệp có kinh nghiệm và khả năng tốt về vấn đề này. Chúng ta hoàn toàn có thể tăng sản lượng đối với nuôi tôm công nghiệp và áp dụng công nghệ cao.

Đối với 600.000ha nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến cũng áp dụng giải pháp KHCN và chế phẩm sinh học, nuôi tôm sinh thái để nâng năng suất tôm quảng canh từ 300 - 350 kg/ha hiện nay lên 500 - 650 kg/ha. Về quy hoạch trong những năm tới, chủ trương tăng sản lượng chứ không tăng diện tích nuôi tôm".

+ Thứ trưởng Vũ Văn Tám

Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam, đã gửi xin ý kiến các ban ngành, địa phương, Bộ sẽ tập hợp ý kiến đóng góp trình Chính phủ trước 30/3. Do vậy từ vụ tôm 2017, dù trong điều kiện ngân sách có hạn, Bộ cùng với các địa phương thể hiện quyết tâm lớn bằng các giải pháp đột phá: Tập trung vào KHCN, ứng dụng KHCN nuôi tôm thâm canh; nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao và đưa tiến bộ KHKT về chế phẩm sinh học cũng như quy trình nuôi mới (nuôi 2 giai đoạn) đối với tôm công nghiệp.

+ Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:

Nuôi tôm ở nước ta và ĐBSCL phát triển mạnh trở thành ngành kinh tế tạo việc làm cho hàng triệu dân ven biển. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán. Đối với tỉnh Sóc Trăng có chiều dài 72km bờ biển, với 70.000ha mặt nước, trong đó 45.000ha nuôi tôm nước lợ tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Riêng sản lượng năm 2016 đạt 140.000 tấn, đạt 155% kế hoạch. Hiện nay tỉnh có hướng chuyển đổi mạnh từ nuôi tôm nhỏ lẻ sang hình thức liên kết SX theo hình thức tổ hợp tác, HTX.

+ Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng:

Từ năm 2015, qua 4 năm tham gia dự án thực hiện liên kết SX với DN và áp dụng mô hình “Nuôi tôm nói không với kháng sinh” và gần đây nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh, đạt hiệu quả khá tốt. Vì vậy chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ DN và giúp nông dân nuôi tôm giảm chi phí, hiệu quả cao. Sản phẩm tôm nuôi không kháng sinh, có giá cao, DN thu mua không lo ngại gian lận trong cân kéo.

+ Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh:

Vừa qua chương trình thủy lợi nạo vét kênh mương khá tốt, kênh dẫn nguồn nước tốt nên vụ nuôi tôm 2016 thành công. Hộ nuôi tôm biết ứng dụng KHCN nuôi tôm năng suất cao hơn, do đó nên tuyên truyền phổ biến rộng mô hình nuôi tôm hiệu quả. Sắp tới cơ quan chức năng cần quy hoạch vùng nuôi chuẩn để quản lý chất thải từ khu vực nuôi; hỗ trợ thông tin dự báo thị trường đến người nuôi tôm để tránh tình trạng SX đạt sản lượng cao nhưng lại gặp rớt giá.

Hữu Đức Theo Nông Nghiệp Việt Nam