Tăng sức cạnh tranh cho nhãn hiệu tôm khô độc quyền
Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã công nhận được 1 nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc, 5 nhãn hiệu cá nhân gồm mắm cá chim, mắm cá sơn, bánh phồng tôm, mắm tôm và đũa đước. Việc công nhận nhãn hiệu cho các mặt hàng nhằm tăng các giải pháp bảo hộ sản phẩm, nâng giá cạnh tranh, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần tăng doanh thu cho cơ sở sản xuất.
Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng ban Quản lý các nhãn hiệu, chia sẻ, hầu hết các sản phẩm đến nay đã nâng cao chất lượng, số lượng cung cấp ra thị trường. Nhiều siêu thị trong và ngoài tỉnh như Co.op, hệ thống Siêu thị Pepsi, Oganika và Siêu thị Tứ Hùng đã ký kết đơn đặt hàng, góp phần tăng doanh thu cho các cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn.
Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển thường xuyên trao đổi với các cơ sở sản xuất, góp phần gìn giữ chất lượng, thương hiệu sản phẩm, không chạy theo lợi nhuận trước mắt làm mất đi thương hiệu, uy tín của cơ sở, dẫn đến giảm lòng tin người tiêu dùng. Chính sự quan tâm, cùng chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao, cải tiến mẫu mã, nhiều cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư các thiết bị hiện đại để đảm bảo lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh hiện nay là tôm khô Rạch Gốc. Lĩnh vực sản xuất này có 6 cá nhân, 1 HTX tham gia hoạt động sản xuất mang nhãn hiệu tôm khô Rạch Gốc, mỗi năm cung cấp trên 30 tấn tôm khô thành phẩm ra thị trường, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Theo ông Hồng Chí Tâm, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chủ cơ sở tôm khô Rạch Gốc, mỗi năm cơ sở cung cấp cho người tiêu dùng trên 10 tấn tôm khô. Từ làm thủ công, ông Tâm đã đầu tư máy sấy, máy luộc, máy rửa tôm… Cùng với hoạt động hiệu quả, cơ sở còn giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động có thu nhập ổn định hàng tháng từ 4-7 triệu đồng.
Để có vị tôm khô vừa ăn, giữ được đặc trưng riêng của vùng Rạch Gốc này, kinh nghiệm luộc tôm rất quan trọng, phải canh lửa cháy đều, nêm muối vừa tay, phải chọn đúng thời điểm vớt tôm để sấy. Trung bình khoảng 7 kg tôm nguyên liệu cho ra 1 kg tôm thành phẩm. Giám đốc HTX tôm khô Tân Phát Lợi Bùi Văn Chương cho biết: “HTX không những kinh doanh trên mặt hàng tôm khô, hiện còn sản xuất tôm chà bông, tôm nguyên vỏ. Từ đầu năm 2018 đến nay, doanh thu của HTX đạt trên 4 tỷ đồng”.
Phần lớn quá trình kinh doanh, sản xuất của các nhãn hiệu trước đây còn phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng, nhưng hiện nay hầu hết các sản phẩm này đã có thị trường tiêu thụ, có những lúc không đủ cho các đơn đặt hàng. Ông Chương cho biết thêm, hiện nay quá trình sản xuất vẫn còn phụ thuộc nguồn tôm nguyên liệu. HTX đang liên kết khoảng 40 hộ dân và các thành viên trong HTX tăng cường sản xuất tôm nguyên liệu. Chúng tôi sẽ quyết tâm nâng doanh thu của HTX mỗi năm trên 5 tỷ đồng, góp phần tạo công ăn, việc làm cho 10-20 lao động".
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Rạch Gốc là nơi cung cấp tôm khô lớn nhất trong tỉnh Cà Mau. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, huyện Ngọc Hiển thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và các cơ sở kinh doanh mang nhãn hiệu độc quyền, góp phần giữ vững thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, giúp sản phẩm ngày một vươn xa.
Về cơ chế hỗ trợ vốn sản xuất, tạo mọi thuận lợi để các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại thông tin, huyện sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để các cơ sở sản xuất được tiếp cận đồng vốn vay. Mục tiêu của huyện là tiếp tục hình thành những làng nghề truyền thống, mang nhãn hiệu độc quyền, thế mạnh của địa phương, kết hợp với việc kinh doanh, phát triển du lịch. Huyện sẽ phát triển mạnh nhãn hiệu mắm cá chim, mắm cá sơn, bánh phồng tôm, mắm tôm trở thành thương hiệu độc quyền của Ngọc Hiển.