Tăng thuế cá tra vào Mỹ: Sau thách thức là ngàn cơ hội
Việc Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống bán phá giá cao một cách vô lý đối với cá tra Việt Nam sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội, ngay cả trên chính thị trường Mỹ.
“Cờ” đến tay DN thuế thấp
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, với kết luận cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra lần 8 (POR8), những doanh nghiệp có mức thuế cao sẽ không thể tiếp tục xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong năm nay. Bởi nếu xuất khẩu, những doanh nghiệp này buộc phải ký quỹ một khoản tiền lớn. Nếu thắng kiện (trong trường hợp các DN kiện DOC lên Tòa án Thương mại Quốc tế), khoản tiền ký quỹ ấy sẽ được hoàn trả lại. Nhưng lỡ không khởi kiện hoặc kiện mà không thắng, thì doanh nghiệp sẽ bị mất khoản ký quỹ và vì thế mà lỗ nặng. Bởi vậy, sẽ chẳng có doanh nghiệp bị thuế cao nào mạo hiểm với việc ký quỹ này.
Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho những doanh nghiệp đang có thuế thấp. Những doanh nghiệp có mức thuế thấp hơn trong kết luận cuối cùng của POR8 vẫn có thể cầm cự được. Đặc biệt, trong nhóm những doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0-0,03 USD/kg từ POR7, có 8 doanh nghiệp đã không tham gia xuất khẩu sang Mỹ trong giai đoạn điều tra của POR8 (từ 1/8/2010 đến 31/7/2011), do đó, vẫn được giữ mức thuế CBPG là 0,03 USD/kg của POR7.
Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp vẫn xuất khẩu cá tra sang Mỹ với giá trị không nhỏ, nhưng không bị DOC điều tra kiện CBPG nên vẫn đang được hưởng mức thuế khá thấp. Khi những doanh nghiệp có mức thuế cao phải ngưng xuất khẩu sang Mỹ, thì lại chính là cơ hội tốt cho 8 doanh nghiệp nói trên và những doanh nghiệp có mức thuế thấp lấp vào chỗ trống ấy.
Cty Agifish (An Giang) là một trong những doanh nghiệp như thế. Mấy năm qua, nhờ được nhà nhập khẩu bên Mỹ lo đóng thuế đầy đủ, nên Agifish không bị điều tra thuế CBPG cá tra mà vẫn được giữ nguyên mức thuế khá thấp là 0,02 USD/kg. Năm ngoái, Cty này xuất khẩu cá tra sang Mỹ với tổng giá trị khoảng vài chục triệu USD. Sau khi DOC công bố kết luận cuối cùng của POR8, ngay lập tức Agifish đã đặt ra kế hoạch sẽ tăng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ lên gấp 2 lần trong năm nay, tức sẽ đạt khoảng 70-80 triệu USD.
Ông Nguyễn Văn Ký, TGĐ Agifish, cho biết khi các doanh nghiệp có mức thuế cao (trong đó có những doanh nghiệp xuất khẩu khối lượng lớn) phải ngừng xuất khẩu sang Mỹ, lượng cá tra ở nước này chắc chắn sẽ thiếu hụt. Vì thế, Agifish đã lên ngay lế hoạch tăng ca sản xuất ở cả 3 nhà máy chế biến nhằm đưa công suất chế biến từ 250 tấn nguyên liệu/ngày lên 300-400 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ông Ký cũng nhận định giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ chắc chắn sẽ phải tăng lên khi một số nhà xuất khẩu phải ngưng đưa cá sang nước này vì bị áp thuế cao.
Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình với nhận định này. Bởi vậy, dù lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong năm nay có thể sẽ giảm so với năm ngoái do ảnh hưởng của thuế CBPG của POR8, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn có thể được giữ ở mức tương đương là 350 triệu USD.
Tìm cơ hội các thị trường khác
Hiện tại, EU vẫn đang là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Từ ngày 1/1 đến giữa tháng 2, xuất khẩu cá tra sang khu vực này đạt giá trị trên 48 triệu USD. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) của Hà Lan đã công bố một nghiên cứu về tiềm năng của cá tra ở thị trường EU. Theo đó, trong nhóm hàng philê cá thịt trắng đông lạnh nhập khẩu vào EU cá tra chỉ đứng thứ 2 sau cá minh thái Alaska.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của cá tra đối với nhu cầu thực phẩm ở khu vực này. Tuy xuất khẩu cá tra sang EU đang có xu hướng giảm do khó khăn kinh tế, nhưng những sản phẩm cá tra có chứng nhận bền vững vẫn đang có cơ hội lớn ở thị trường này. Vì vậy, việc ngày càng có thêm nhiều ao nuôi cá tra đạt chứng nhận ASC đang tạo thêm nhiều thuận lợi hơn cho con cá tra Việt Nam trong việc lấy lại hình ảnh, thị phần ở EU.
Nhiều thị trường khác cũng đang rất có tiềm năng mà các doanh nghiệp cá tra cần phải tập trung khai phá nhằm tránh phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Trong đó, Mexico là thị trường đáng chú ý nhất. Bởi nếu xét về các thị trường riêng lẻ, thì nước này chỉ đứng sau Mỹ trong việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam. Trong năm 2012, Mexico đã nhập cá tra Việt Nam với giá trị lên tới trên 100 triệu USD.
Từ 1/1 đến giữa tháng 2 năm nay, Mexico vẫn giữ vững phong độ khi tiếp tục đứng thứ 2 sau Mỹ với kim ngạch nhập khẩu cá tra từ Việt Nam là trên 15 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu ổn định, yêu cầu chất lượng sản phẩm không quá cao, phương thức thanh toán đơn giản, rõ ràng… đó là những yếu tố thuận lợi cho việc tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Mexico. Bên cạnh đó, các thị trường Brazil (giá trị xuất khẩu cá tra đạt 79 triệu USD năm 2012), Trung Quốc và Hồng Kông (gần 73 triệu USD), Nga (54 triệu USD), Arập Xêut (trên 52 triệu USD), Colombia (trên 52 triệu USD), Úc (50 triệu USD), Ai Cập (gần 49 triệu USD)… cũng là những thị trường lớn mà cá tra Việt Nam có thể gia tăng lượng cũng như giá trị xuất khẩu.
Ấn Độ tuy chưa phải là một thị trường lớn, nhưng cũng đầy tiềm năng đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam. Nhiều nhà hàng kinh doanh trên hệ thống tàu điện ngầm lớn ở các thành phố Mumbai và Delhi đều đã có các món chế biến từ cá tra. Nhiều siêu thị tại những thành phố lớn ở Ấn Độ cũng đang bán cá tra thái lát đóng gói. Theo Bộ Công thương, trung bình mỗi tháng Ấn Độ đang nhập khẩu khoảng 5.000 tấn cá tra, chủ yếu là từ Việt Nam. Trở ngại duy nhất hiện nay trong việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào Ấn Độ là thuế nhập khẩu với sản phẩm này còn khá cao. Nếu Chính phủ Việt Nam quan tâm đàm phán với phía Ấn Độ để tháo gỡ vấn đề này, nhiều khả năng Ấn Độ sẽ trở thành thị trường lớn của cá tra Việt Nam trong thời gian tới.