Tăng tính cạnh tranh cho con tôm trên thị trường
Những tháng gần đây do các nước lân cận được mùa tôm khiến giá tôm Việt Nam liên tục giảm, người nuôi tôm thu không đủ bù chi. Đối với Quảng Ninh, với nhiều điều kiện thuận lợi nên đến thời điểm này giá tôm chưa bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên cần phải có bài toán lâu dài. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho con tôm trên thị trường.
Để giảm chi phí trung gian
Thực tế nuôi tôm không phải là nghề truyền thống của Quảng Ninh, mà mới phát triển trong khoảng hơn chục năm gần đây, song kết quả khá tốt. Năm 2017, toàn tỉnh có gần 10.600ha diện tích, sản lượng trên 11.600 tấn, giá trị đạt gần 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên hạn chế của ngành tôm Quảng Ninh là đặc thù khí hậu có nhiều bất lợi, thiếu cơ sở sản xuất nguyên liệu đầu vào tại chỗ nên chi phí đầu tư cho con tôm luôn ở mức cao.
Hiện trên địa bàn không có các cơ sở sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học dùng cho tôm, hầu như các nguyên liệu đầu vào đều nhập từ các tỉnh, thành miền Trung, miền Nam thông qua hệ thống các đại lý phân phối. Trong khi giá thức ăn cho tôm niêm yết tại nơi sản xuất là 24.000 đồng/kg thì người nuôi vẫn phải mua qua các đại lý trên địa bàn là 30.000 đồng, cao hơn 6.000 đồng/kg; giá chế phẩm sinh học cho tôm cũng tăng cao từ 30-40% so với giá gốc.
Năm 2017, toàn tỉnh đạt trên 11.600 tấn tôm, đóng góp giá trị cao cho ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty CP Nhật Long, đơn vị nuôi tôm có tiếng tại TP Hạ Long phân tích: Thông thường 1kg tôm trong suốt quá trình trưởng thành "cõng" ít nhất 1,1kg thức ăn, trị giá trên 30.000 đồng và khoảng trên 30.000 đồng tiền vi sinh, chế phẩm sinh học; tất cả chiếm đến trên 50% tổng chi phí cho con tôm. Ông Vương Văn Oanh, Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục Thủy sản, khẳng định: Mỗi năm toàn tỉnh cần đến hàng chục ngàn tấn thức ăn, hóa chất cho tôm, đây là một khoản lớn. Và trong điều kiện giữa giá thực mua và giá sản xuất kênh nhau quá xa thì đương nhiên người nuôi mất đi một khoản chi phí trung gian không hề nhỏ, theo đó giá tôm không ổn định, tôm mất tính cạnh tranh.
Hiện các cơ sở sản xuất giống tôm trên địa bàn mới cung ứng được trên 20% nhu cầu, 80% con phải nhập từ các tỉnh, thành khác trong cả nước hoặc nguồn giống trôi nổi trên thị trường. Với tình trạng này, chưa đề cập đến vấn đề chất lượng giống mà chỉ xét về giá con giống đã tăng cao so với mặt bằng chung, do phải "cõng" thêm chi phí vận chuyển, hao hụt... Thực tế một con tôm giống khi được thả xuống ao nuôi trên địa bàn tỉnh đang có giá 120 đồng/con, tăng đến 40 đồng/con so với giá của các tỉnh, thành phía Nam, trong khi đó hằng năm toàn tỉnh nhập đến trên 3 tỷ con tôm giống.
Bên cạnh đó, hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tôm của tỉnh không được đầu tư đồng bộ, thiếu và yếu các điều kiện thiết yếu như đường giao thông, điện sản xuất, hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải, trữ nước ngọt... Thực tế trong những năm qua toàn tỉnh chưa có vùng nuôi tập trung nào hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Ngay như công trình trữ nước ngọt được xác định là công trình có tính quan trọng, giúp các ao nuôi giảm độ mặn, phòng chống dịch bệnh về gan tụy, vốn là dịch bệnh gây thiệt hại nhiều nhất cho tôm hiện cũng chưa có.
Điều này không chỉ khiến sản xuất tôm nuôi thiếu tính chủ động, bền vững mà chi phí để bảo vệ, tránh rủi ro cho con tôm rất cao. Ông Nguyễn Quang Đồng, người nuôi tôm xã Hải Lạng cho biết: Lấy ví dụ về điện sản xuất, nếu không được đảm bảo, phải phát bằng máy phát thì riêng tiền mua dầu đã tăng lên gấp 3 so với tiền điện, chưa nói chi phí đầu tư, khấu hao về máy móc.
Toàn vùng nuôi tôm Vạn Ninh (Móng Cái) đều sử dụng chung hệ thống nước ra, nước vào để nuôi tôm
Hướng đến tính bền vững
Ông Bùi Hữu Liêm, Phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh, khẳng định: Trong điều kiện đặc thù như hiện nay, ngành nuôi tôm Quảng Ninh không nên phát triển nhanh về số lượng, mở rộng diện tích nuôi một cách ồ ạt, tự phát, mà cần đầu tư cho chất lượng, nuôi theo quy hoạch, khuyến khích các hộ có tiềm lực kinh tế tham gia. Hiện trong gần 10.600ha diện tích nuôi tôm mới có gần 2.000ha nuôi theo quy mô công nghiệp, chiếm chưa tới 20% tổng diện tích.
Các vùng nuôi này tuy suất đầu tư cao, song đều đảm bảo về sản lượng, giá trị và tính bền vững. Bên cạnh đó người nuôi theo quy mô công nghiệp có thể hạch toán khá sát chi phí đầu vào, đầu ra, hệ số lãi để tự điều chỉnh hợp lý. Theo tính toán, hiệu quả thực tế 1ha nuôi tôm công nghiệp đang gấp 70 lần nuôi tôm quảng canh; hiện con số thống kê sản lượng tôm của tỉnh đang được tính trên cơ sở nuôi tôm công nghiệp là chủ yếu.
Bên cạnh đó trong bối cảnh trên địa bàn chưa sản xuất được nguyên liệu đầu vào như giống, thức ăn và chế phẩm sinh học cho tôm như hiện nay, các đơn vị, ban, ngành và ngay chính người nuôi cần phải có những mô hình liên kết để nhập, cung ứng nguyên liệu này với mức giá gần với giá sản xuất, giảm chi phí khâu trung gian không cần thiết.
Theo kinh nghiệm của Tập đoàn BIM, do diện sản xuất rộng, ổn định nên đơn vị này thường nhập giống, hóa chất với số lượng lớn tại nơi sản xuất, từ đó mức giá luôn thấp hơn nhiều so với người dân tự mua nhỏ lẻ tại các đại lý trên địa bàn. Đây được coi là giải pháp quan trọng giảm thiểu chi phí đầu tư cho con tôm, quyết định tính cạnh tranh về giá của con tôm cũng như hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
Đối với con giống, hiện nay các đơn vị chức năng cần tăng cường phối hợp với Tập đoàn Việt Úc đẩy mạnh dự án sản xuất tôm giống để cung ứng cho toàn vùng. Con tôm giống Việt Úc hiện đang được đánh giá có chất lượng, uy tín, tạo sự yên tâm và được người nuôi tôm Quảng Ninh trông đợi. Thêm nữa, để nâng cao tính cạnh tranh cho con tôm là phải đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi, trong đó trước tiên là các hạng mục dùng chung quan trọng như công trình điện ba pha, hệ thống cấp nước vào, thoát nước ra, xử lý nước thải…
Hiện theo quy định phân cấp quản lý và đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng các vùng nuôi thuộc địa phương nào địa phương đó sẽ đầu tư, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay sẽ rất khó thực hiện. Chính bởi vậy tỉnh và các đơn vị chuyên môn của tỉnh cần có quyết sách hợp lý, tháo gỡ cho các địa phương, nhằm thúc đẩy ngành nuôi tôm, tăng tính cạnh tranh cho con tôm.