Tăng tôm, cá nhiễm kháng sinh, giảm thịt heo chất cấm
Đó là thông tin được các cơ quan chức năng đưa ra tại buổi họp báo định kỳ quý 3-2016 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức ngày 28-9.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tp.Hồ Chí Minh đã lấy 548 mẫu để kiểm tra, phân tích dư lượng các chất cấm trong thủy sản. Kết quả phân tích phát hiện có 76 mẫu có tồn dư kháng sinh hoặc hóa chất cấm, chiếm 14% tổng số mẫu xét nghiệm.
Riêng tại chợ đầu mối Bình Điền, lực lượng chức năng đã lấy 335 mẫu thủy sản để phân tích thì có tới hơn 16% mẫu có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. So với cùng kỳ 2015, tỷ lệ mẫu phát hiện tăng 14,5%. Các mẫu phát hiện có nguồn gốc từ các tỉnh đưa về và hầu hết nhiễm kháng sinh Enrofloxacin – một loại kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản.
Dựa trên kết quả giám sát trên, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thành phố đã thực hiện thanh, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại 160 cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn thành phố và 3 nhà lồng ở chợ Bình Điền. Kết quả có tới 51/160 cơ sở vi phạm không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình kinh doanh thực phẩm thủy sản, chiếm gần 32%. Đơn vị này đã tiến hành lập hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền 214 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, tỷ lệ mẫu kiểm tra phát hiện chất cấm cao là do việc lấy mẫu không chọn theo kiểu đại trà mà tập trung vào các sản phẩm có nguy cơ cao. Đáng lưu ý, các mẫu xét nghiệm phát hiện dư lượng chất cấm hầu hết có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác đưa về thành phố tiêu thụ; còn các cơ sở sản xuất trên địa bàn thì kết quả kiểm tra, phân tích không phát hiện dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm. Do đó, việc truy xuất sản phẩm vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Sơn, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, các lực lượng chức năng phải tiếp tục tăng cường kiểm tra kháng sinh, hóa chất cấm trong các sản phẩm thủy sản. Đồng thời khuyến cáo tới người sản xuất không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản cũng như phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc.
Trong khi đó, kết quả kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi lại giảm đáng kể, chỉ phát hiện một trường hợp trong 6 tháng gần đây và đã tiến hành tiêu hủy đàn heo này.