Tảo bẹ: Kho báu từ đại dương
Do được hấp thu các chất từ môi trường biển nên tảo bẹ rất giàu các vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống ôxy hóa thiết yếu được chứng minh là có lợi cho sức khỏe trong việc hỗ trợ giảm cân, phòng ngừa tiểu đường, phòng chống ung thư,…
Đôi nét về tảo bẹ
Tảo bẹ là một loài rong biển mọc ở vùng nước nông, là loài tảo biển lớn thuộc lớp tảo nâu (Phaeophyceae). Tảo bẹ phát triển trong các rừng tảo bẹ thuộc những khu vực đại dương nước nông và được cho là đã tồn tại trong thế Trung Tân cách đây khoảng từ 23 - 5 triệu năm trước. và có khoảng 30 chi khác nhau. Khác với rong biển có thể phát triển ở cả nước mặn và nước ngọt, tảo bẹ chỉ tồn tại trong môi trường nước mặn, thường được tìm thấy dọc theo các bờ đá, nơi có nhiệt độ lạnh và nhiều chất dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, tảo bẹ cũng được dùng để sản xuất natri alginate được sử dụng như một chất làm đặc trong nhiều loại thực phẩm như kem, nước sốt salad. Tảo bẹ có thể được sử dụng bằng nhiều cách chế biến khác nhau. Bạn có thể nấu chín tảo bẹ, ăn sống, sử dụng dưới dạng bột hoặc qua các thực phẩm chức năng.
Theo chuyên gia Vanessa Stasio Costa, tảo bẹ được coi là một “siêu thực phẩm” do hàm lượng muối khoáng dồi dào của nó, đặc biệt tảo bẹ rất giàu iod là một nguyên tố quan trọng tham gia vào hoạt động và quá trình chuyển hóa của tuyến giáp. Nếu thiếu có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và gây phì đại tuyến giáp (bệnh bướu cổ).
Nguồn dưỡng chất dồi dào
Trong tảo bẹ có chứa thành phần dinh dưỡng như Iod (nhiều nhất, khoảng 2000μg (microgram)/kg tảo bẹ tươi), Sắt, Mangan, Canxi, Magie, Đồng, Kẽm, Riboflavin (vitamin B2), Niacin (vitamin B3), Thiamin (vitamin B1), Vitamin A, B12, B6, C và các thành phần chống oxy hóa tự nhiên tốt cho sức khỏe.
- I-ốt: một khoáng chất thiết yếu cần thiết để tạo ra các hormone tuyến giáp. Các tuyến giáp sử dụng i-ốt để sản xuất hormone tuyến giáp (ngăn ngừa các bệnh như bướu cổ,..). Ngoài ra còn thực hiện một số chức năng quan trọng như kiểm soát sự trao đổi chất của cơ thể và giúp phát triển xương và trí não thai nhi, trẻ nhỏ.
- Vitamin K: Tảo bẹ cung cấp một lượng vitamin K đáng kể, loại vitamin thiết yếu này đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương, không chỉ giúp tăng mật độ khoáng xương ở những người bị loãng xương mà còn có thể làm giảm tỷ lệ gãy xương.
- Các thành phần chống ôxy hóa tự nhiên: carotenoid, flavonoid và alkaloid có thể giúp dọn sạch các gốc tự do gây tổn thương tế bào và mô.
- Vitamin C, mangan và kẽm: giúp giảm các stress oxy hóa và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nhiều ý kiến còn cho rằng tảo bẹ có thể giúp đẩy lùi một số bệnh mãn tính bao gồm cả ung thư.
- Chất xơ tự nhiên (alginate): các nghiên cứu chỉ ra rằng loại chất xơ này có thể giúp làm ngừng trệ sự hấp thu mỡ tại ruột. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Food Chemistry, alginate có thể ức chế hấp thu chất béo tại ruột tới 75%, có tác dụng trong việc giảm cân.
- Fucoxanthin: một hợp chất có trong lục lạp của tảo bẹ, được các chuyên gia bước đầu nghiên cứu về tiềm năng trên bệnh béo phì và tiểu đường, hợp chất này có thể hỗ trợ quá trình giảm cân ở những bệnh nhân béo phì khi kết hợp với dầu lựu. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy tảo nâu có thể tác động đến việc kiểm soát đường huyết và giảm nồng độ glucose máu, đây là những tác dụng rất có lợi đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.
Có nên ăn nhiều tảo bẹ để tốt cho sức khỏe?
Tuy được xét là thực phẩm tự nhiên giàu chất dinh dưỡng, nhưng các chuyên gia khuyến cáo rằng tiêu thụ quá nhiều tảo bẹ có thể gây thừa iod trong cơ thể. Tình trạng thừa iod có thể kích thích tuyến giáp hoạt động quá mức và gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Đặc biệt những người mắc bệnh cường giáp nên thận trọng khi sử dụng tảo bẹ.
Mặc dù tảo bẹ và các loài rong biển khác được hấp thu các loại muối khoáng tốt từ môi trường biển, nhưng đồng thời chúng cũng có thể hấp thu các kim loại nặng nguy hiểm như Arsen, Cadimi và chì. Do vậy, người dùng chỉ nên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tốt nhất là nên tìm đến những sản phẩm có ghi đã được kiểm nghiệm về hàm lượng các kim loại nặng.