TIN THỦY SẢN

Tạo động lực cho nghề nuôi tôm

Mô hình nuôi tôm trên cát ở Quảng Nam Việt Nguyễn

Đối nghịch với nuôi tôm thua lỗ ở vùng triều, nuôi tôm bằng hình thức lót bạt trên cát lại được mùa được giá. Quảng Nam đang quy hoạch và có các giải pháp thiết thực để tạo động lực phát triển nghề nuôi tôm trong thời gian đến.

Hiệu quả cao

Ông Nguyễn Trí Toàn (thôn An Trân, xã Bình Hải, Thăng Bình) nuôi tôm trên cát bằng hình thức lót bạt quanh năm trên 5 ao nuôi có tổng diện tích 5.000m2. Nuôi tôm thâm canh, ông Toàn thả nuôi 15 vạn con giống tôm thẻ chân trắng ở mỗi ao nuôi. Trung bình ở mỗi ao nuôi, ông Toàn thu được 3 tấn tôm thương phẩm, bán được hơn 450 triệu đồng, thu lãi 250 triệu đồng. Mỗi năm, với ít nhất 3 vụ nuôi, ông Toàn có thu nhập khoảng 3 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

“Xác suất thành công của nuôi tôm lót bạt trên cát rất cao vì có thể khống chế được các yếu tố gây bệnh cho tôm. Dù rất nhạy cảm nhưng được chăm sóc tốt, con tôm thẻ chân trắng sinh trưởng rất nhanh, sau chừng 3 tháng nuôi là thu hoạch, bán thương phẩm” - ông Toàn nói.

Quy trình nuôi tôm của ông Toàn là lấy nước biển cho vào ao chứa lắng, dung hòa độ mặn, xử lý sạch rồi cho vào ao nuôi tôm thương phẩm. Tôm giống có chất lượng tốt, ương nuôi kỹ càng sau khi mua về cho đủ lớn rồi mới chuyển qua nuôi thương phẩm. Ông Toàn luôn túc trực chăm sóc tôm và ghi chép cẩn thận để quản lý tốt mọi yếu tố như nguồn nước, độ kiềm, độ pH, nhiệt độ... Thay vì dùng kháng sinh, ông Toàn sử dụng nhiều chuối cây và các yếu tố vi sinh khác để tăng sức đề kháng, miễn dịch bệnh cho tôm nuôi.

Nhận thấy các điều kiện tốt để nuôi tôm thâm canh, Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ (có 3 địa chỉ ở Bạc Liêu, Ninh Thuận và Quảng Nam) đã kết hợp với ông Nguyễn Xuân Cần nuôi tôm thâm canh bằng hình thức lót bạt trên cát với tổng cộng 26 ao nuôi. Doanh nghiệp này luôn phân công trách nhiệm để đội ngũ chuyên môn giám sát chặt chẽ mọi công đoạn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Nguyễn Văn Quang - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ cho biết, không chỉ nuôi tôm thương phẩm để thu lãi mà còn đang đầu tư 3ha để sản xuất giống tôm thẻ chân trắng ở thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) và đang chọn địa điểm để trình diễn mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Doanh nghiệp này đầu tư đồng bộ cho quá trình nuôi tôm công nghệ cao, có 2 ao ương nuôi tôm giống diện tích 1.000m2, ao chứa lắng, ao xử lý nước thải, hệ thống điện, đường giao thông nội bộ khang trang, hệ thống giàn lưới hạn chế nhiệt độ cao ảnh hưởng xấu đến phát triển của tôm nuôi.

“Chúng tôi đã thực hiện thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Vấn đề quan trọng là chỉ với 3 tháng nhưng tôm nuôi đạt trọng lượng tốt, cỡ dưới 40 con/kg, thu lãi lớn” - ông Quang nói. Sau mỗi năm đầu tư nuôi tôm trên cát, lãi ròng của công ty đạt hàng chục tỷ đồng.

Chú trọng quy hoạch

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, mấu chốt để nuôi tôm thành công ở Quảng Nam là người dân, doanh nghiệp cần thay đổi cách đầu tư. Ở các vùng triều nuôi tôm, với diện tích 3.000ha nhưng do người dân đầu tư theo kiểu ăn xổi, không quản lý chặt môi trường nước nên hiệu quả thấp. Trong khi đó, nuôi tôm trên cát chỉ với 320ha ở vùng đông nhưng sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch được mỗi năm lên đến 10 nghìn tấn.

“Nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hình thức lót bạt cho năng suất ổn định từ 10 - 15tấn/ha/vụ. Nhiều ao có thể cho năng suất hơn 20 tấn/ha/vụ. So với nuôi tôm ở vùng triều thì nuôi tôm lót bạt trên cát ít rủi ro, ít chịu ảnh hưởng của bão lụt, dễ quản lý dịch bệnh, nguồn nước cấp trong sạch, ổn định độ mặn, xử lý nước thải tốt, có thể phát triển bền vững, bảo vệ môi trường xung quanh” - ông Ngô Tấn nói.

Ngành nông nghiệp đang quy hoạch lại nghề nuôi tôm trên cát, chỉnh trang, sắp xếp lại các vùng nuôi theo hướng tập trung. Việc quan trọng là thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nuôi tôm. Ngân sách của tỉnh sẽ tăng đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi kết hợp với kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, nhiệm vụ quan trọng của ngành là tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi tôm thương phẩm, sản xuất tôm giống, từng bước đưa các cơ sở nuôi tôm tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Ngành thủy sản đang xây dựng dữ liệu thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ để hỗ trợ về đầu ra cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm.

Việt Nguyễn Báo Quảng Nam