TIN THỦY SẢN

Tạo dựng thương hiệu: Cua đá... lên đời

Cua đá được dán tem để phân biệt với cua đá bị khai thác bất hợp pháp. Quốc Tuấn

Mười lăm năm vòng đời của cua đá đủ dài để đong đầy dư vị mới cũ của đất, người xứ đảo Cù Lao Chàm. Và rồi cua đá đã... lên đời.

Từ 500 đồng đến 300 nghìn đồng

Lúi húi bắt từng con cua có mai màu tím than từ giỏ ra cho chúng tôi xem, anh Nguyễn Tấn Việt - thành viên tổ Khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm chậm rãi kể: “Trông vậy chứ những con cua này 14 tới 16 tuổi hết rồi đó. Ra Cù Lao Chàm ăn cua đá thì tuyệt đối chỉ có có cua tự nhiên chứ không có cua nuôi”. Anh Việt là dân xứ dừa Bến Tre làm rể ở xã đảo này ngót cũng hơn chục năm rồi và nghề khai thác cua đá đã giúp gia đình anh cũng như nhiều cư dân địa phương khác ở đây có được một cuộc sống no đủ. “Tính ra bình quân một ngày công tôi đi khai thác cua đá cũng được hòm hòm 900 nghìn đồng, chỉ làm trong mấy tháng nhưng cũng đủ tích lũy trang trải cuộc sống” - anh Việt bộc bạch.  

Có lần người bạn hồi đại học của tôi nhà ở Bãi Ông kể, cách đây chừng mười lăm năm cua đá vẫn còn bò lổn nhổn trên mái tôn nhà nó xuống sát vách núi để xuống biển đẻ trứng và khi đó người ta mua bán cua đá bằng lồng này lồng nọ chứ không tính bằng con vì nó rẻ quá và cũng chỉ có dân địa phương mua với nhau. Từ chỗ bạ đâu bắt đấy hiện nay nhiều khu vực như Hòn Lá, Hòn Dài, Hục Nhàn, Cây Chanh... đã được khoanh vùng bảo vệ luân phiên. Ông Lê Ngọc Thảo - Trưởng Ban thư ký Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ngồi kế bên chúng tôi thông tin, hồi Ban quản lý mới thành lập thì giá đâu chỉ 500 đồng/con nhưng bây giờ lên đến 300 nghìn đồng/con rồi nhưng mà số lượng bán cho khách cũng giới hạn. Giá thành cua đá không chỉ nằm ở giá trị thực phẩm mà bao hàm cả câu chuyện về vòng đời độc đáo của nó nữa…


Việc tạo thương hiệu cho cua đá Cù Lao Chàm đã giúp cuộc sống của nhiều người dân địa phương khấm khá hơn. Ảnh: Q.T

Chợt nhớ, tôi cũng từng thoáng nghe mấy anh hướng dẫn viên du lịch “kháo” với du khách khi đặt chân đến Cù Lao Chàm rằng, do rừng thấp (dưới 100 mét) ở Cù Lao Chàm qua khảo sát hiện diện đến 288 loài cây thuốc nam nên thực phẩm cua đá ở đây vô cùng bổ dưỡng giúp cường tráng thể lực; thế là khách rần rần mua vì niềm tin, vì câu chuyện ly kỳ của một con cua đá có 15, 16 năm đằng đẵng sinh tồn ở đảo ngọc.

Dán tem, phân “quota” khai thác

Năm 2010, Hội Nông dân xã Tân Hiệp triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua đá Cù Lao Chàm”, cũng từ đó đến nay việc khai thác cua đá chỉ được giới hạn trong khoảng thời gian từ ngày 1.3 đến 31.7 hàng năm. “Con cua này có cái hay là khi trời mưa xuống thì nó di chuyển ra ngoài, bắt rất dễ. Nếu nó ở trong hang mà mình bắt một lần bị trượt, thì nó không bao giờ chịu ra nữa. Anh nào chưa có kinh nghiệm càng nóng nảy chọt vô bắt thì chỉ làm gãy càng nó mà thôi. Vì vậy, ở đây người ta cấm đào, bới hang cua trong khi khai thác” - anh Việt hào hứng kể.


Du khách hào hứng khi lần đầu tiếp xúc với cua đá. Ảnh: Q.T

Từ chỗ chỉ có 18 thành viên cách đây mấy năm hiện tổ khai thác đã tăng lên 48 người. Đâu đó, vẫn có tình trạng ngư dân nằm ngoài tổ lén lút khai thác loài hải sản giá trị này. Vân vê trên tay xấp tem dán nhãn quản lý cua đá, ông Thảo giải bày: “Hồi trước, đội liên ngành chúng tôi đi kiểm tra các nhà hàng nhập cua đá không rõ nguồn gốc. Mới nhập xong bỏ cua xuống chậu là ập vô liền mà họ vẫn chối và nói mua từ tổ nên cũng đành chịu. Từ hồi có cái tem này mới quản lý hẳn hoi được vì có luộc lên thì cái tem cũng còn bóng loáng trên vỏ. Nhiều cư dân địa phương còn đùa hay là chúng ta phổ cập dán tem này lên tất cả loài khác trên đảo trong đó có loài người nữa”. Năm nào “4 nhà” gồm Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp cũng ngồi lại tổng kết, đánh giá nhưng cái quan trọng nhất của cuộc “ngồi lại” là để phân tích và đưa ra quyết định xem năm sau sẽ khai thác bao nhiêu con cua đá cho hợp lý nhằm duy trì, phát triển quần thể của chúng.

Lẽ thường là có sự phản ứng về việc giới hạn khai thác cua đá cả về thời gian và số lượng. “Họ nói cua này có phải của các anh đâu mà các anh cấm bắt. Chúng tôi phải giải thích đủ kiểu rồi phân tích việc xét chọn thành viên vào tổ khai thác. Mọi cư dân địa phương đều đăng ký vô được nhưng ưu tiên chọn những người coi đây là sinh kế chính chứ những ai có việc làm khác tốt hơn thì thôi” - ông Trần Công - Tổ trưởng Tổ Khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm kể. Ông Thảo giải thích thêm, ở đây có “quota” khai thác cua đá hẳn hoi, thông thường mỗi năm tổng “quota” khai thác vào khoảng 10 nghìn con. Tùy vào năng lực, hoàn cảnh gia đình, ví dụ ông A được giao chỉ tiêu khai thác 300 con hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 7 thích bắt lúc nào thì bắt miễn sao không quá chỉ tiêu. Ai muốn nhượng lại “quota” còn dư cho người khác trong tổ tùy thỏa thuận.

Khai thác văn minh

Khi chúng tôi đặt vấn đề: “Bảy, tám năm nay có năm nào ngồi lại tổng kết mà mấy anh phải hạ chỉ tiêu khai thác năm sau vì nguồn lợi cua đá suy giảm hay không?”. Ông Thảo nói: “Từ 2011 đến nay qua theo dõi số lượng khai thác từ người dân thì tính ổn định khá cao nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc giảm số lượng. Tương lai sẽ tùy vào kết quả bảo tồn quần thể của đá mà có những điều chỉnh phù hợp”. Những người có trách nhiệm với hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới này có lý do để lo lắng bởi nhiều loài hải sản giá trị cao khác ở đây như trai tai tượng, cá dìa, cá mú, tôm hùm… đều bị suy giảm thấy rõ, cho thấy vẫn có những tác động tiêu cực vào quần thể sinh vật, cần được kiểm soát chặt chẽ, khoa học hơn.

Hỏi ra mới biết, trước đây để xác định cua đá có đủ chuẩn để khai thác chưa thì người dân dùng thước dây để đo. Từ số liệu này mà cơ quan chức năng có được bộ dữ liệu phục vụ khoa học rất hữu ích. “Chừ thì dân làm nhanh hơn khi khóa ngay thước ở vạch 7cm đưa mai con cua vào lọt số 7 thì để lại, không lọt thì bán đi. Cách này tiết kiệm thời gian nhưng nhược điểm là không còn đủ dữ liệu về quần thể cua đá” - giọng ông Thảo có vẻ chùng xuống.

Từ lúc thực hiện dự án, các nhà khoa học cũng đã lường trước kịch bản một ngày cua đá ở Cù Lao Chàm bị khai thác tận “hang cùng ngõ hẻm” nên đã “quy hoạch” và được sự đồng ý của chính quyền TP.Hội An về việc cấm khai thác cua đá ở Hòn Dài. “Đây là nơi bất khả xâm phạm để quản lý nguồn gen cua đá bản địa và đã được giao cho tổ khai thác và bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm quản lý, bảo vệ chứ cũng không được khai thác” - ông Thảo chia sẻ. “Nhiều nơi người ta đánh bắt hải sản vô tội vạ chứ ở đây dù là trong thời gian được phép khai thác nhưng bắt trúng cua cái đang mang trứng thì phải mang nộp cho tổ thả về tự nhiên” - một người trong tổ khai thác góp chuyện. Một chi tiết thú vị là càng về cuối thời gian được phép khai thác trong năm (khoảng tháng 6 đến tháng 8) thì số cua đực được khai thác lớn hơn nhiều so với cua cái, tỷ lệ là  4 đực/1 cái đến 9 đực/1 cái. Điều này nhằm duy trì ổn định quần thể cua đá này.

Thông thường từ tháng 8 hàng năm là khoảng thời gian cua đá di chuyển từ trên đỉnh núi xuống sát mép triều vẩy trứng vào nước biển nở thành ấu trùng sau đó ngược dòng lên lại. Ở đây, người ta không lo lắng nhiều về việc nhân giống cua đá mà bức xúc về không gian sống của loài vật này bị thu hẹp dẫn đến vòng đời không được khép kín. Ông Thảo nhìn nhận: “Việc bê tông hóa cũng như mở các con đường chạy quanh đảo đang là rào cản cho đàn cua khi đến mùa sinh sản và chúng tôi phải tìm cách để khắc phục vấn đề này”.

Quốc Tuấn Báo Quảng Nam