TIN THỦY SẢN

Tảo: Khám phá giới tính, tác nhân thời tiết và triển vọng năng lượng sinh học

Ảnh minh họa (Tepbac.com) Nguyễn Dương

Các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công Nghệ Na Uy (Norwegian University of Science and Technology (NTNU)) đang tập trung nghiên cứu thế giới bí mật của loài tảo nhằm tìm ra cách tốt nhất để khai thác và sử dụng chúng.

Đã có một số nghiên cứu đang tập trung vào giới tính của tảo – một lĩnh vực mới lạ. "Về cơ bản, tảo sinh sản bằng phương thức phân chia tế bào, ở đó tảo trở nên nhỏ hơn sau mỗi lần phân chia do có vách tế bào, cho đến khi chúng đột nhiên chuyển sang sinh sản hữu tính," giáo sư sinh học Atle Bones thuộc NTNU, cho biết.

"Chúng tôi đã tìm ra rằng, khi tảo ở một kích thước nhất định, chúng chuyển sang kiểu mang giới tính và bắt đầu giao hợp. Điều khiển hoạt động sinh sản hữu tính này là một bước tiến rất quan trọng trong nghành nghiên cứu sinh học, bởi vì nó cho phép chúng ta kiểm soát được sự phát triển của chúng," Ông cho biết thêm.

Việc kiểm soát này là một công cụ quan trọng cho các nhà khoa học trong nuôi trồng tảo. Các nhà khoa học cần điều khiển quá trình sinh sản của tảo và lựa chọn đặc tính mong muốn. Việc nuôi cấy tảo ở quy mô thương mại đòi hỏi khả năng kết hợp các đặc tính từ các giống khác nhau. "Sự kết hợp đa dạng này có thể tạo ra cơ sở cho việc sản xuất thực phẩm, hóa chất, năng lượng sinh học và vật liệu," Bones cho biết.

Tảo – Tác nhân gây mưa

Một khám phá quan trọng khác là một số loài tảo biển làm các hợp chất lưu huỳnh bốc hơi khỏi đại dương.

Trong một số trường hợp, các hợp chất này có vai trò như là những điểm hội tụ (những hạt nhân) gồm nước cùng với những hạt vật chất khác và tạo ra những giọt nước rồi tạo thành mây. Đặc điểm của hiện tượng này hiện vẫn chưa rõ, nhưng nếu gió đẩy những đám mây này vào đất liền, thì sẽ xuất hiện mưa.

Điều này có nghĩa rằng, việc tảo nở hoa sẽ ảnh hưởng đến thời tiết. "Một lượng lớn tảo được nuôi trồng ở Biển Bắc có thể lý giải cho hiện tượng mưa nhiều ở Na Uy," theo Bones.

Tảo - Triển vọng pin mặt trời

Một lĩnh vực khác mà các nhà khoa học đang nghiên cứu là cách tảo phản ứng lại với ánh sáng. Một số loại tảo tạo ra các chất mà có thể bảo vệ chúng trước ánh sáng như một kiểu chống nắng.

Số khác thì có hệ thống phễu lọc ánh sáng mà chúng có thể cho một lượng nhất định ánh sáng đi qua, bằng việc mở rộng hay thu nhỏ phễu, hoặc điều chỉnh mật độ chất lọc ở trong phễu. Nghiên cứu này được thực hiện trên tảo cát, bởi nghiên cứu viên Gabriella Tranell thuộc NTNU, đã tìm ra những cơ sở mới có thể ứng dụng trong phát triển pin mặt trời./.

Nguyễn Dương Theo Sciencedaily, 6/11/2013