TIN THỦY SẢN

Tảo sệt - thành tựu mới thức ăn ấu trùng hải sản

Nannochloropsis oculata. Ảnh: Internet Thạc sĩ Dương Văn Hiệp

Trong nghề sản xuất giống các loài hải sản như tôm, cua, cá biển và nhất là các loài nhuyễn thể thì việc sản xuất tảo phù du là thức ăn cho ấu trùng và con non là hết sức quan trọng, quyết định đến sự thành, bại của cả một đợt ương giống. Bài viết giới thiệu thành tựu khoa học công nghệ mới về thức ăn dùng cho ấu trùng hải sản – Tảo sệt.

Trong sản xuất giống nhuyễn thể có một khó khăn cố hữu không thay đổi được là hầu hết ấu trùng các loài nhuyễn thể đều ăn lọc tảo phù du (hiện nay con người chưa làm được thức ăn thay thế tảo). Do vậy, muốn ương giống nhuyễn thể thì người làm giống buộc phải đi nuôi tảo. Tảo phù du là những loài vi tảo có kích thước siêu nhỏ được nuôi trong túi hoặc trong bể rồi múc cả nước lẫn tảo cho ấu trùng ăn. Bằng cách này, tính chuyên nghiệp trong nghề sản xuất giống nhuyễn thể chưa cao, người làm giống còn ôm thêm khâu làm tảo, mất nhiều công sức và hay xảy ra rủi ro; nhất là khi thời tiết thay đổi đột ngột, tảo hay bị tàn (bị chết) nên thiếu hụt thức ăn và cuối cùng là ấu trùng, con giống bị chết.

Vấn đề thu sinh khối tảo để dùng dần trong quá trình ương giống cũng được đặt ra từ lâu; tuy nhiên do kích thước của tảo quá nhỏ; lọc bằng lưới, vợt không hiệu quả; các phương pháp khác như ly tâm, keo lắng tảo chưa mang lại kết quả mong muốn cho sản phẩm tảo tươi.

Công nghệ mới sản xuất tảo

Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 đã thu được tảo sinh khối đối với 2 loài: tảo xanh (N. occulata) và tảo vàng (I. galbana) ở dạng nhão và dạng lỏng đậm đặc. Cũng trong thời gian đó, Viện nghiên cứu Hải sản đã nuôi được tảo xanh (N. occulata) đạt mật độ trên 1,4 tỉ tế bào/ml. Từ những thành công này, một vài cơ sở ở Hải Phòng đã ứng dụng để nuôi các loài vi tảo rồi thu sinh khối và tạo sản phẩm Tảo sệt.

Vi tảo được gieo trồng trong môi trường nhiệt độ 15oC. Khi nhiệt độ này tăng thêm 7oC, môi trường nuôi cấy trở nên sền sệt. Trong môi trường mới này, vi tảo sinh trưởng thành các cụm có diện tích lớn gấp 10 lần so với trồng trong môi trường truyền thống. Khi vi tảo được trồng, nhiệt độ giảm và môi trường lại chuyển sang dạng dung dịch. Tảo được tách ra bằng lực hấp dẫn và sau đó được thu hoạch.

Điểm mới của phương pháp là nuôi sinh khối tảo đạt mật độ cực cao rồi ly tâm ở số vòng quay thấp (đảm bảo tế bào tảo không bị vỡ) tạo tảo sệt rồi bảo quản bằng cách cấp đông; sau khi rã đông có thể sử dụng cho ấu trùng, con giống hải sản ăn dần. Hiện nay, về cơ bản, đã có sản phẩm tảo sệt của các nhóm thiết yếu dùng trong sản xuất giống nhuyễn thể như: Nhóm tảo xanh; Nhóm tảo nâu (C. calcitrans C. glacilis); Nhóm tảo vàng;…

Tảo cô đặc Nannochloropsis oculata ở dạng nhão và lỏng đậm đặc được nghiên cứu làm thức ăn, thay thế vi tảo tươi tương ứng cho luân trùng Brachionus plicatilis. Luân trùng được nuôi bán liên tục trong các bể composite hình trụ, dung tích 500 lít. Thức ăn duy nhất là vi tảo N. oculata ở dạng nhão cô đặc hoặc lỏng đậm đặc (thí nghiệm) so với dạng tươi hoặc dạng nhão-sản phẩm thương mại làm đối chứng. Các thông số mật độ cực đại, tốc độ sinh sản, tỷ lệ mang trứng, sản lượng thu hoạch hàng ngày và tổng sản lượng thu hoạch trong một đợt nuôi được sử dụng để đánh giá ảnh hưởng của thức ăn lên quần thể luân trùng. Quần thể sử dụng tảo cô đặc dạng nhão-thí nghiệm có các chỉ tiêu đánh giá thấp hơn quần thể sử dụng vi tảo tươi tương ứng, cụ thể là mật độ cực đại đạt 89%, tốc độ tăng trưởng đạt 92%, tỷ lệ mang trứng đạt 82%, tổng sản lượng thu hoạch đạt 80%; không khác biệt so với quần thể sử dụng tảo cô đặc dạng nhão-đối chứng.

Việc ứng dụng thành tựu công nghệ mới (Tảo sệt) vào sản xuất giống góp phần giảm thiểu rủi ro (do thiếu tảo) và từng bước, tiến tới Chuyên nghiệp hóa nghề làm giống nhuyễn thể nói riêng và làm giống hải sản nói chung.

Thạc sĩ Dương Văn Hiệp QNGOV