Tập huấn đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ
Trong hai ngày, 16-17/4/2012, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Dự án Hợp phần tăng cường quản lý khai thác thủy sản (SCAFI) đã phối hợp với cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản (DECAFIREP) tổ chức tập huấn đồng quản lý nghề cá quy mô nhỏ tại Việt Nam.
Các học viên tham gia lớp tập huấn đã được các chuyên gia về đồng quản lý cung cấp lý thuyết về đồng quản lý và các bước tổ chức thực hiện cũng như bài học kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý đã và đang được thực hiện tại nhiều địa phương khác nhau như Huế, Nghệ An, Bến Tre, Đăk Lăk. Mặc dù đồng quản lý không còn là khái niệm mới mẻ nhưng nội dung khóa học khiến các học viên sôi nổi tham gia thảo luận, trình bày, thuyết trình và chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm. Trong suốt khóa học, các học viên đã hào hứng thành lập nhóm thực hành xây dựng mô hình đồng quản lý cho địa phương mình. Các vấn đề khúc mắc được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm chia sẻ và giải đáp cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo thành công cho khóa học.
Hiện nay, với sự hỗ trợ của SCAFI, nghề cá nước ta đã xây dựng được 24 mô hình, đóng góp lớn nhất của SCAFI cho các địa phương là thông qua các hoạt động thí điểm, đã góp phần thay đổi suy nghĩ, cách làm của các địa phương về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao tầm quan trọng của lĩnh vực thủy sản trong tâm trí, tư tưởng của các nhà quản lý địa phương, đặc biệt là cấp xã. Góp phần nâng cao năng lực và cung cấp cho các địa phương một công cụ mới là đồng quản lý để có thể áp dụng, triển khai ở các điểm có điều kiện tương đồng sau khi dự án rút đi.
Theo các chuyên gia, đồng quản lý nghề cá ở Việt Nam hiện phải đối mặt với 3 thách thức chính đó là pháp lý, tài chính và nhân lực để triển khai thực hiện đồng quản lý nghề cá. Bài học kinh nghiệm rút ra từ các mô hình thí điểm của SCAFI, đó là: Đồng quản lý có tính bối cảnh địa phương rất lớn, tùy từng điều kiện cụ thể mà có những sắp xếp, cơ cấu, chiến lược tổ chức thực hiện khác nhau. Chỉ có hỗ trợ, đào tạo và tư vấn không thôi chưa đủ, mà cần trước tiên đó là khung pháp lý và sau đó là nâng cao năng lực thực hiện và hỗ trợ tài chính cần thiết, ví dụ như các hỗ trợ về tàu thuyền tuần tra, và các cơ sở vật chất thiết yếu. Đồng quản lý là cách tiếp cận khá mới mẻ, đòi hỏi tính linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm rất cao nên việc thử nghiệm có thể không nên chỉ triển khai ở những vùng nghèo, vùng mà năng lực và nhận thức của ngư dân và chính quyền địa phương rất thấp, cần đa dạng việc thí điểm cả ở những vùng kinh tế, nhận thức và năng lực quản lý trung bình.